Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU & HỢP TÁC Nghiên cứu khoa học Tin tức

Hội thảo Đại học Khởi nghiệp với chủ đề: “Mô hình Đại học Khởi nghiệp và xu thế phát triển trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”

25/07/2024 17:52 - Xem: 43

Sáng ngày 25/7/2024, Trường đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cùng Công ty CP Đầu tư Học viện Khởi nghiệp Thành công (ISS) đã tổ chức Chuyên đề hội thảo: Đại học Khởi nghiệp với chủ đề: “Mô hình Đại học Khởi nghiệp xu thế phát triển trong Cách mạng Công  nghiệp 4.0”

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Nông Lâm có GS.TS. Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Chí Hiểu - Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Phan Thị Hồng Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường và các Giảng viên của nhà Trường

Về phía khách mời có CEO Đặng Đức Thành – Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành công (ISS), Chủ tịch CLB các Nhà Kinh tế (VEC), TS. Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch IP Group, TS. Võ Chí Thành - Phó Chủ tịch CLB các nhà Kinh tế (VEC), Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khách mời một số trường Đại học và đại diện một số Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

TS. Võ Trí Thành - Phó Chủ tịch CLB các nhà Kinh tế (VEC), Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) điều hành Hội thảo.

Phát triển các trường đại học trở thành đại học khởi nghiệp hiện đang là xu thế của thế giới. Đại học khởi nghiệp là đại học có khả năng tạo ra các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu hiệu quả. Bởi, Đại học khởi nghiệp là nơi đáp ứng tốt nhất về nguồn lực phát triển loại hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo do có điều kiện về nguồn lực ổn định, lâu dài và chất lượng.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Rất nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đều bắt đầu từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, nơi có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học. Và các trường đại học khởi nghiệp là nơi tạo ra số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhiều và nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được thành lập bên ngoài khu vực trường đại học nhưng số lượng cũng rất ít, không đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Đại học truyền thống với sứ mệnh là giáo dục và đào tạo, hiện tại không đáp ứng được yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu mới đặt ra cho đại học là cùng với đào tạo cũng cần phải nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để tạo ra công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có thể giải quyết các vấn đề của nền kinh tế - xã hội. Do đó, đại học khởi nghiệp, nơi huy động được nguồn lực như giáo viên, sinh viên được đào tạo bài bản, số lượng lớn, ổn định và lâu dài, đủ điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất. Đây là lực lượng chủ đạo, đáp ứng được sự đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mô hình phát triển của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần phải chuyển sang mô hình mới, đó là trở thành trường đại học khởi nghiệp.

Hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần có cơ chế hợp tác để khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Diễn giả Đặng Đức Thành – Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành công (ISS), Chủ tịch CLB các Nhà Kinh tế (VEC) trình bày tại Hội thảo

Diễn giả Ngô Đắc Thuần - Chủ tịch IP Group trình bày, thảo luận chủ đề: "Đại học Khởi nghiệp là cái nôi để phát triển Tài sản trí tuệ"

Đại diện nhà trường cùng một số khách mời, đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguyễn Hương Xiêm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN