Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

Trường Đại học Nông Lâm: Những ngày đầu thành lập

01/06/2021 22:12 - Xem: 1051
Sau năm 1954, đất nước ta bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã xác định trong giai đoạn mới cách mạng Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho miền Bắc lúc này là khắc phục hậu quả chiến tranh, đảm bảo lương thực thực phẩm và nhu cầu thiết yếu khác cho người dân, chi viện cho tiền tuyến. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) đã xác định miền Bắc phải đi lên từ nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, làm cơ sở cho sự phát triển của các ngành khác. Chủ trương nhấn mạnh việc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, chủ động chuyển hướng phát triển nông nghiệp phải phù hợp với điều kiện cụ thể của miền Bắc. Chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chính, đồng thời phát triển trồng cây công nghiệp để lấy nguyên liệu cho ngành công nghiệp nhẹ, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc được đặt ra nhằm đảm bảo yêu cầu về tính cân đối giữa nông nghiệp khu vực này với vùng đồng bằng. Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng dễ bị tác động bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên việc phát triển nông nghiệp ở vùng trung du, miền núi sẽ góp phần đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Muốn vậy, trước hết cần phải đào tạo lực lượng cán bộ có trình độ về kỹ thuật và quản lý nông nghiệp cho miền núi. Lúc này miền Bắc mới chỉ có hai trường đại học nông nghiệp là trường Đại học Nông nghiệp I ở Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp II ở Hà Bắc.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc thành lập trường Đại học Kỹ thuật nông nghiệp ở miền núi phía Bắc.

Ngày 15/8/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 143/CP về kế hoạch đào tạo cán bộ đại học từ năm học 1969 - 1970, trong đó có kế hoạch chuẩn bị nguồn tuyển sinh để trường Đại học Kỹ thuật Miền núi sẽ đào tạo ngay sau khi Trường thành lập. Theo Quyết định, 150 học sinh được tuyển chọn để bổ túc văn hóa, nhằm có đủ trình độ theo học chương trình năm thứ nhất trường Đại học Kỹ thuật Miền núi vào đầu năm học 1970 - 1971. Đối tượng tuyển chọn chủ yếu là học sinh, cán bộ, công nhân, viên chức là người dân tộc thiểu số đã học xong chương trình cấp 3 phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.

Ngày 19/9/1969, căn cứ vào nhu cầu đào tạo cán bộ người dân tộc có trình độ đại học phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa ở miền núi, theo đề nghị của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 98/TTg về việc “Chuẩn bị mở trường Đại học Kỹ thuật Miền núi”. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc chuẩn bị các điều kiện về cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, trường sở, cơ sở thực tập, thiết bị học tập, giảng dạy và nghiên cứu thí nghiệm để thành lập trường Đại học Kỹ thuật Miền núi.

Ngày 04/11/1969, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 50-NN/QĐ về việc thành lập ban Xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Theo quyết định, ban Xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Miền núi có nhiệm vụ trực tiếp tiến hành mọi công việc chuẩn bị cho việc thành lập trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, đồng thời chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ đào tạo học sinh hệ trung cấp nông nghiệp của trường Trung cấp Nông nghiệp Việt Bắc lúc đó.

Cũng trong ngày 04/11/1969, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ra Quyết định số 344-NN/QĐ về việc cử những người tham gia vào ban Xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, gồm có:

Ông Phan Văn Tỉnh - Phó chủ tịch Khu tự trị Việt Bắc, Trưởng ban.

Ông Lý Ngọc Tuân - Nguyên chánh văn phòng Uỷ ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, Phó trưởng ban.

Ông Hoàng Viễn Đạt - Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nông nghiệp Việt Bắc, Ủy viên.

Ông Nguyễn Văn Mai - Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nông nghiệp Việt Bắc, Ủy viên.

Như vậy, trường Đại học Kỹ thuật Miền núi (nay là trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên) đã được thành lập. Trường tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 11 năm 1970. Vì vậy, năm 1970 được xác định là năm thành lập Trường.

* Những lần thay đổi tên gọi

Khi mới thành lập, Trường có tên gọi là trường Đại học Kỹ thuật Miền núi.

Ngày 25/2/1971, theo Quyết định số 56/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường đổi tên thành trường Đại học Nông Lâm Miền núi. Trường do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp quản lý với sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Đối tượng tuyển sinh của Trường chủ yếu là học sinh và cán bộ người dân tộc, đồng thời có tuyển thêm học sinh và cán bộ người Kinh đã sống và phục vụ ở miền núi; học sinh và cán bộ người Kinh tình nguyện vào học ở Trường và khi ra trường phục vụ ở miền núi.

Ngày 31/3/1972, căn cứ vào Điều 3, Nghị định số 234/CP ngày 18/12/1971 của Hội đồng Chính phủ về quy định chức năng và tổ chức bộ máy của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Chính phủ ban hành công văn số 750 - VP về việc đổi tên trường Đại học Nông Lâm Miền núi thành trường Đại học Nông nghiệp III do Ủy ban Nông nghiệp Trung ương trực tiếp quản lý. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học phục vụ ngành nông nghiệp ở miền núi.

Cùng với việc thay đổi tên gọi, nhiệm vụ của Trường cũng được bổ sung. Ngày 05/5/1973 Ủy ban Nông nghiệp Trung ương đã ra văn bản số 159 NN - TC/QĐ trong đó nêu rõ trường Đại học Nông nghiệp III có nhiệm vụ: Đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền núi; bồi dưỡng giáo viên các trường trung cấp nông nghiệp thuộc các tỉnh miền núi; tham gia việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ trên đại học; nghiên cứu những vấn đề khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp chung và của miền núi nói riêng, phục vụ yêu cầu giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy so với khi mới thành lập, nhiệm vụ và đối tượng đào tạo của Trường đã được mở rộng hơn.

Tên gọi trường Đại học Nông nghiệp III được duy trì từ năm 1973 đến năm 1994, là tên gọi gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường.

Ngày 04/4/1994 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên. Trường Đại học Nông nghiệp III được đổi tên thành trường Đại học Nông Lâm - cơ sở giáo dục thành viên của Đại học Thái Nguyên và có tên thường gọi là trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Việc đổi tên Trường theo từng thời kỳ đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ đối với việc đào tạo cán bộ có trình độ đại học về nông, lâm nghiệp cho miền núi phía Bắc. Gắn liền với mỗi lần thay đổi tên gọi là sự phát triển về nhiệm vụ và sứ mệnh của Nhà trường ở mỗi giai đoạn, nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra.