Để ghi lại những mốc son trong 55 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã biên soạn cuốn lịch sử “Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, một chặng đường phát triển”. Đây cũng là nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên các thế hệ. Cuốn sách thể hiện tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành với Nhà trường trong suốt những năm qua; đồng thời cũng là để ghi nhận công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường. Lịch sử của Nhà trường từ khi thành lập (1969) tới năm 2024 có thể chia thành các giai đoạn chính như sau:
Với khoảng thời gian 6 năm (1969-1975) ngắn ngủi, những ngày đầu thành lập đã lưu lại nhiều mốc lịch sử quan trọng cùng với những kết quả hoạt động ban đầu trong công tác xây dựng cơ sở vật chất; Hình thành bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ giáo viên; Triển khai công tác đào tạo với chỉ 2 ngành Trồng trọt và Chăn nuôi thú y với khoảng 100 sinh viên trong điều kiện phải sơ tán do chiến tranh và tổ chức học tập ở Định Hóa, Đồng Hỷ và Phú Lương.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, nước ta lại đứng trước những thử thách nặng nề của một cuộc chiến đấu mới. Đó là cuộc chiến chống lại cái đói nghèo, lạc hậu, cũ kỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ổn định đời sống nhân dân sau chiến tranh, khôi phục và xây dựng nền kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ được đặt ra. Muốn vậy, trước hết cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu về lương thực, hàng tiêu dùng cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đứng trước nhiệm vụ và yêu cầu mới trong bối cảnh chung của đất nước, Trường Đại học Nông nghiệp III đã có những điều chỉnh để ổn định hoạt động dạy và học sau chiến tranh, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giải quyết những đòi hỏi của tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, lãnh đạo Nhà trường đã có nhiều đột phá trong tư duy và hành động, đem lại những hiệu quả to lớn trong nhiều lĩnh vực như công tác xây dựng và bảo vệ Đảng; Công tác phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy; Công tác đào tạo với trọng tâm là nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; Công tác nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất; Công tác xây dựng cơ sở vật chất, ổn định đời sống cán bộ giảng viên và sinh viên; Công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Thành quả đạt được trong giai đoạn 1975-1985 có ý nghĩa không chỉ với giai đoạn này mà cho cả các giai đoạn sau.
Giai đoạn 1986 - 1994: Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Sau khi thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V, nhân dân ta đã đạt được những kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực, làm chuyển biến một phần cơ cấu của nền kinh tế - xã hội. Để đáp ứng được những đòi hỏi mới của công cuộc đổi mới, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã xác định: Sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội.
Hòa trong khí thế của công cuộc Đổi mới đất nước, từ 1986 đến 1994, Đảng bộ trường Đại học Nông nghiệp III đã lần lượt tổ chức các kỳ Đại hội lần thứ V (9/1986), lần VI (1/1989), lần VII (5/1992). Công tác Đảng được coi trọng và đẩy mạnh về mọi mặt, là cơ sở để Nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp đổi mới. Những hoạt động nổi bật của Nhà trường giai đoạn này là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên; Đa dạng hóa và đổi mới nội dung chương trình đào tạo; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; Công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý được tiến hành dân chủ, công khai; Công tác xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường tạo tiền đề để bảo vệ quỹ đất, đảm bảo an ninh trật tự cho Nhà trường. Giai đoạn này đã chuẩn bị những điều kiện quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Nhà trường ở những năm tiếp theo, nhất là trong việc trang bị cho đội ngũ cán bộ giảng viên những điều kiện cần thiết để chuẩn bị nắm bắt các cơ hội mới, nâng cao trình độ.
Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, xu thế hội nhập, hợp tác và liên kết trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Khoa học kỹ thuật trở thành nền tảng và động lực cho sự phát triển. Công cuộc đổi mới của nước ta đã mang lại sự chuyển biến tích cực ban đầu, chứng tỏ con đường đổi mới là đúng đắn và chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa. Công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa là quá trình tất yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia.
Sự ra đời của Đại học Thái Nguyên nằm trong xu thế hình thành các Đại học Quốc gia và Đại học Vùng trên cả nước. Đây là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khai thác và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên để xây dựng Đại học Thái Nguyên thành một Đại học Vùng đủ mạnh ở khu vực miền núi phía Bắc, có khả năng giải quyết các vẫn đề về nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với quyết định này, trường Đại học Nông nghiệp III trở thành thành viên của Đại học Thái Nguyên với tên gọi mới: trường Đại học Nông Lâm, tên thường gọi là trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Giai đoạn 2015 – nay:
Từ năm 2015 đến nay, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, luôn chủ động, sáng tạo và phát huy truyền thống của một đơn vị có uy tín về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khẳng định vị thế của Nhà trường, đóng góp vào sự phát triển của Đại học Thái Nguyên được thể hiện rõ nét qua các kỳ Đại hội Đảng bộ Trường và các đề án hoạt động trọng tâm; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy Nhà trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới hình thức, chương trình, phương pháp giảng dạy; Hội nhập quốc tế; Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ đào tạo; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; Hoạt động của các tổ chức đoàn thể tiếp tục được đẩy mạnh.
Với những thành tích xuất sắc về nhiều mặt, từ năm 1994 đến nay trường Đại học Nông Lâm đã nhận được những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho tập thể Trường và các cá nhân. Năm 1995, Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.Năm 2005, Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Ngày 07/01/2013, Chủ tịch nước ký Quyết định số 26/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Nhà trường. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu bề dày thành tích xuất sắc mà Nhà trường có được sau 43 năm xây dựng và phát triển. Năm 2015 Nhà trường tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần 2) và năm 2021, Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì.
Những danh hiệu cao quý của các cá nhân và tập thể Nhà trường nhận được chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những nỗ lực không ngừng, những đóng góp to lớn của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong suốt quá trình 55 năm xây dựng và phát triển. Những phần thưởng đó làm vẻ vang thêm truyền thống của một tập thể đơn vị Anh hùng Lao động, để các thế hệ cán bộ, sinh viên Nhà trường luôn tự hào về mái trường nơi mình đã công tác, học tập và gắn bó. Đó cũng là những động lực to lớn để Nhà trường tiếp tục phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo, thực hiện mục tiêu “Xây dựng trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á” như chủ đề của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XIV (4/2015) đã đề ra.