Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

Trường Đại học Nông nghiệp III giai đoạn 1986 - 1994: Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới

01/06/2021 23:42 - Xem: 2218
Sau khi thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V, nhân dân ta đã đạt được những kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực, làm chuyển biến một phần cơ cấu của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không đạt được mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Đứng trước tình hình đó, để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) đã đề ra đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới kinh tế nhằm thực hiện cho bằng được ba chương trình kinh tế lớn là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Đây là sự điều chỉnh quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài của nước ta.

Để đáp ứng được những đòi hỏi mới của công cuộc đổi mới, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã xác định: Sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội. Sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý, nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ chuyên môn đầu ngành. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn và năng lực thực hành, cần coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng. Kết hợp giảng dạy, học tập với lao động sản xuất, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Hòa trong khí thế của công cuộc Đổi mới đất nước, từ 1986 đến 1994, Đảng bộ trường Đại học Nông nghiệp III đã lần lượt tổ chức các kỳ Đại hội lần thứ V (9/1986), lần VI (1/1989), lần VII (5/1992). Qua mỗi kỳ Đại hội, công tác tư tưởng chính trị, xây dựng và bảo vệ Đảng được chú trọng tăng cường. Đảng bộ Trường đã có những chương trình hành động cụ thể để phổ biến tuyên truyền các chủ trương, đường lối mới của Đảng, của Ngành, đặc biệt là đường lối các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc cũng như nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ Trường đến quần chúng và Đảng viên, tạo dựng và củng cố không khí phấn khởi, niềm tin tưởng, và sự quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Công tác Đảng được coi trọng và đẩy mạnh về mọi mặt, là cơ sở để Nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Những hoạt động nổi bật

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên 

Sau Đại hội Đảng bộ Trường lần V (1986), trường Đại học Nông nghiệp III tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy. Số lượng cán bộ, giảng viên đi học tập từ giai đoạn trước, lúc này hoàn thành trở về đã tăng cường cho Nhà trường đội ngũ cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia về lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đến năm 1989, Nhà trường có 156 cán bộ giảng dạy trên tổng số 373 cán bộ công nhân viên, 11 PTS, 01 PGS, 11 cán bộ đang là NCS ở nước ngoài, một số thày giáo đã được cử đi đào tạo trình độ PTS ở trong nước. Các cán bộ, giảng viên được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các khóa học, tham gia nghiên cứu. Giảng viên các môn khoa học xã hội như bộ môn Mác - Lênin, một số môn của khoa Kinh tế nông nghiệp được cử đi dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy cho phù hợp với giai đoạn mới...

Sinh viên chúc mừng Thày Cô nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1992

Để chuẩn bị cho việc thực hiện hợp tác quốc tế, Trường tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên tiếng Anh, cho phép những giáo viên dạy tiếng Nga đi học tiếng Anh để trở về đảm nhận nhiệm vụ mới. Việc giảng dạy ngoại ngữ cho giảng viên tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nên phong trào học tập sôi nổi. Đặc biệt, năm học 1988 - 1989 Trường đã mở hai lớp học ngoại ngữ tại trường cho cán bộ, giảng viên có trình độ đại học tham gia học tập. Việc học ngoại ngữ đã trở thành nhu cầu của từng người. Ngày thứ 7 trở thành “ngày học ngoại ngữ” của toàn trường.

Thời gian này, nhiều cuộc họp của ban lãnh đạo Nhà trường được tiến hành để tìm và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đi học tập nâng cao trình độ. Những chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Nhà trường trong việc nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, cũng là tầm nhìn lâu dài của các thế hệ lãnh đạo đi trước đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên lớp sau, là sự chuẩn bị vô cùng quan trọng để các lớp cán bộ sau có được nền tảng vững chắc, tiếp cận được với những cơ hội mới. Đó cũng là sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo thay thế cho các giai đoạn sau này.

Đa dạng hóa và đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Từ sau Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ V (9/1986), công tác đào tạo của Nhà trường có những đổi mới theo các chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Về mục tiêu đào tạo

Nhà trường tích cực thực hiện đổi mới mục tiêu đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, mở rộng các loại hình đào tạo, đào tạo theo diện rộng, tổ chức đào tạo nhiều hệ, nhiều ngành.

Về đa dạng hóa ngành học, bậc học, loại hình đào tạo

Năm 1986, Trường thành lập khoa Lâm nghiệp, nâng tổng số khoa chuyên môn của Trường là 4 khoa. Các hệ đào tạo cũng được mở rộng với 4 hệ: đại học chính quy, hệ trung học, hệ đại học ngắn hạn, hệ đại học tại chức. Ngoài ra còn mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ như: lớp tập huấn mô hình SALT, khuyến nông, chiết ghép cây, tiêm, thiến, hoạn gia súc...

Nhờ chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo, Trường đã thu hút ngày càng đông sinh viên, học viên ở nhiều đối tượng theo học. Năm học 1986-1987, Nhà trường có 1.155 sinh viên trong đó: chính quy dài hạn: 640; hợp tác xã: 260; hợp đồng: 42; tại chức: 182; dự bị: 31. Quy mô đào tạo được được mở rộng góp phần nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động trí thức có tay nghề.

Năm 1987, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái có chủ trương sắp xếp lại các trường Trung cấp, quyết định giải thể trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái và điều chuyển 3 thày, cô giáo về trường Đại học Nông nghiệp III. Trường cũng tiếp nhận đào tạo tiếp học sinh của ba lớp trung cấp: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp đang học chương trình của Trường trung cấp.

Năm 1989, Trường thực hiện hợp đồng đào tạo theo diện chính sách của Nhà nước đối với 19 sinh viên Campuchia. Những sinh viên này vào học cùng sinh viên khóa 21 (lớp 21 HĐ). Sau khi tốt nghiệp, hầu hết đã trở về Campuchia, có 4 người ở lại Việt Nam công tác.

Ngày 16/9/1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1948/BGDĐT-SĐH, cho phép trường Đại học Nông nghiệp III đào tạo trình độ thạc sĩ với 2 ngành đầu tiên là Trồng trọt (18 học viên) và Chăn nuôi (18 học viên). Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động đào tạo của Nhà trường. Từ chỗ cử cán bộ, giảng viên đi học tập, nghiên cứu tại các cơ sở khác thì nay Trường đã tự đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ thạc sĩ cho Trường và cho các đơn vị khác.

Về đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Trên cơ sở đổi mới mục tiêu đào tạo, Nhà trường đã rất chú trọng đổi mới nội dung và chương trình.

Ở khối kiến thức chuyên ngành, các bộ môn, các khoa đã cùng Nhà trường rà soát, đổi mới nội dung chương trình giảng dạy. Nội dung đào tạo được xây dựng theo quan điểm: dạy những điều mà người học cần, xã hội cần, nền kinh tế cần. Do đó nội dung giảng dạy cố gắng bám sát vào các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp miền núi. Các khoa chuyên môn cũng điều chỉnh, đưa vào nhiều môn học mới, như:

Khoa Kinh tế nông nghiệp đã đưa vào môn học Marketing nông nghiệp; Tâm lý học quản lý; Kinh tế phát triển nông thôn; Quản trị kinh doanh nông nghiệp; Phương pháp công tác của cán bộ quản lý...

Khoa Chăn nuôi thú y có thêm các môn: chăn nuôi dê, chăn nuôi ngựa, nuôi baba, châm cứu chữa bệnh cho gia súc...

Khoa Lâm sinh có thêm môn: Sinh thái bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo quản gỗ và lâm sản...

Khoa Trồng trọt có thêm các môn: cây dược liệu, hệ thống canh tác trên đất dốc, kỹ thuật cấy mô, kỹ thuật sản xuất cây cao lương-.

Để đáp ứng được việc giảng dạy các môn mới, Trường đã tạo mọi điều kiện để các giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập, hội thảo trong nước và nước ngoài với mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có đủ giảng viên giảng dạy các môn học mới có chất lượng.

Mô hình đào tạo theo phương thức “ba chọn” được tiến hành đã mang lại những hiệu quả rõ nét. Sinh viên được chủ động chọn đề tài tốt nghiệp, chọn giảng viên hướng dẫn, chọn địa điểm thực tập. Phương thức này không chỉ phát huy tính chủ động của người học, mà còn là động lực để đội ngũ giảng viên nâng cao trình độ, tay nghề. Nhà trường cũng tổ chức và tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia và báo cáo nghiên cứu khoa học. Những cách làm này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ từ đào tạo sang tự đào tạo đối với người học của Nhà trường.

Trong năm học 1993 - 1994, Trường đã xây dựng được các học phần tự chọn, từng bước học phần hóa có chất lượng, mềm hóa nội dung chương trình đào tạo, đảm bảo nội dung có đủ 3 loại học phần: bắt buộc, tự chọn theo hướng dẫn, tự chọn tùy ý. Sau 6 năm thực hiện quy trình đào tạo mới, những ưu điểm của chương trình đã từng bước được khai thác.

Công tác biên soạn, viết giáo trình cũng được đẩy mạnh. Nhiều giáo trình được biên soạn theo cấu trúc mới. Trường đã triển khai vốn đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo giành cho viết giáo trình. Chỉ riêng năm học 1993 - 1994 đã có 23 môn học có giáo trình được biên soạn, viết mới, mua và nhập thêm 2000 đầu sách mới, tổ chức phát hành hai số thông tin khoa học kỹ thuật của Trường. Những giáo trình được biên soạn có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của thày và trò trong lúc Nhà nước chưa có điều kiện biên soạn đầy đủ các bộ giáo trình, tài liệu ở một số môn học.

Để tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện học tập, Trại thực tập khi đó do thày Từ Quang Hiển làm Trại trưởng (1990 - 1993) đã có nhiều sáng kiến: xây dựng 23 mô hình học tập cho sinh viên bằng cách giao đất cho các gia đình công nhân; gia đình và trại cùng đầu tư xây dựng mô hình, nhờ đó đất đai của Nhà trường được bảo vệ, sinh viên có mô hình để học, thu nhập của các gia đình công nhân được nâng cao.

Cán bộ viên chức Nhà trường trong dịp gặp mặt (14/4/1998)

Trong gần 10 năm (1986 - 1994) Nhà trường đã có 1.436 sinh viên tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có nhiều sinh viên đã trở thành lãnh đạo của các địa phương. Với những đổi mới tích cực trong công tác đào tạo, kết quả đào tạo của Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, xếp thứ 3 trong các trường Đại học của cả nước, được nhận phần thưởng bằng hiện vật là máy vi tính.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất

Với định hướng đúng đắn đi tắt, đón đầu, của Lãnh đạo Nhà trường trong việc cử các giáo viên trẻ đi đào tạo ở nước ngoài, cử giáo viên trẻ đi học tiếng Anh và tổ chức các lớp học tiếng Anh cho cán bộ tại trường, Nhà trường đã có một đội ngũ cán bộ thành thạo tiếng Anh. Chính vì vậy, giai đoạn 1986 - 1994, Nhà trường đã thu hút được nhiều nguồn tài trợ quốc tế, xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển quốc tế, hợp tác và gửi nhiều cán bộ đi tham gia triển khai các dự án với các tổ chức phi chính phủ. Đó là những hoạt động thiết thực hỗ trợ Nhà trường trong đào tạo đội ngũ chuyên gia, nâng cao năng lực nghiên cứu và nâng cấp trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo. Chỉ riêng năm học 1993 - 1994, hoạt động hợp tác quốc tế đã thu về cho Nhà trường 37.800 USD, nhiều lượt cán bộ giảng viên được cử đi học tập, hội thảo ở nước ngoài. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên Nhà trường đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế với chủ đề canh tác bền vững trên đất dốc (SALT) với số lượng khách quốc tế lên đến hàng trăm đại biểu. Với những hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật trong giai đoạn này, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá là một điểm sáng trong hợp tác quốc tế của ngành Giáo dục - Đào tạo Việt Nam. Năm 1994, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen về công tác hợp tác quốc tế.

Từ năm 1986, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường thực sự được đẩy mạnh cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả đề tài nghiên cứu. Số lượng đề tài các cấp ngày càng nhiều, kinh phí cho nghiên cứu khoa học tăng lên. Việc quản lý đề tài cũng nề nếp, chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Trong các lần nghiệm thu, tỷ lệ đề tài khá và xuất sắc ngày càng tăng.

Muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phải tiến hành hợp tác quốc tế. Muốn hợp tác quốc tế phải có đội ngũ cán bộ chuyên sâu ở từng lĩnh vực. Thực hiện Quyết định số 124/BGDĐT - TCCB ngày 14/01/1991 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nhà trường đã kiện toàn, đầu tư thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông Lâm nghiệp Miền núi phía Bắc để tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Công tác hợp tác quốc tế tuy mới chỉ ở giai đoạn đầu song Nhà trường cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 4 Chính phủ, 13 tổ chức phi Chính phủ.

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn thực sự là thế mạnh của trường Đại học Nông nghiệp III. Điểm mới lúc này là Nhà trường đã xây dựng và thực hiện các chương trình mang tính trọng điểm nhằm góp phần phục vụ cho mục tiêu ba chương trình kinh tế lớn của Đảng. Nhiều hợp đồng kinh tế kỹ thuật đã được ký với các địa phương.

Trường đã xây dựng thành công trạm truyền tinh giống lợn tại huyện Định Hóa. Đây là điểm truyền tinh giống thứ 2 sau thành phố Thái Nguyên (điểm này trước đây tỉnh đã xây dựng nhưng không thành công). Trạm có nhiệm vụ tạo đàn lợn lai kinh tế thay dần đàn lợn nội tại huyện Định Hóa và các địa phương lân cận.

Trường tập trung giúp xã Sơn Phú, huyện Định Hóa một cách toàn diện về chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, quản lý kinh tế nông nghiệp nhằm xây dựng Sơn Phú thành một xã miền núi có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Mô hình này đã đạt kết quả tốt, được địa phương đánh giá rất cao.

Xây dựng thành công mô hình hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc (SALT) ở Võ Nhai - Bắc Thái, được nghiệm thu, đánh giá là mô hình tốt nhất trong cả nước, được đoàn đại biểu Quốc hội đến thăm, đánh giá cao và cho phép nhân rộng ra các huyện, tỉnh ở miền núi phía Bắc. Trường đã triển khai và mở được nhiều lớp tập huấn về mô hình SALT với 2.600 lượt học viên tham dự của các tỉnh Cao Bằng, Bắc Thái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Bắc, Vĩnh Phú... Hội nghị quốc tế về SALT tại Trường được tổ chức thành công. Toàn bộ diện tích đất dốc của Trường đã được SALT hóa để vừa bảo vệ đất, vừa làm mô hình cho sinh viên và nông dân các tỉnh về học tập. Trại thực tập đã xây dựng được nhiều mô hình về tập đoàn cây ăn quả. Mô hình V.A.C, mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc xuất khẩu, mô hình chăn nuôi dê sữa... Các mô hình này ngoài việc để cho sinh viên học tập rèn nghề còn được nhân rộng ra sản xuất, được nhân dân các địa phương hưởng ứng áp dụng và để lại hiệu quả kinh tế cao như các mô hình về vịt Kakicambell, gà Goldline...

Cán bộ viên chức Nhà trường trong dịp gặp mặt (14/4/1998)

Trường tham gia giúp các địa phương triển khai các dự án thay thế cây anh túc bằng các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao ở Hà Giang và Cao Bằng, dự án sản xuất cây ăn quả ở Ngân Sơn, dự án khuyến nông ở Lào Cai...

Thông qua các hoạt động này, các kiến thức thực tiễn về nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm khuyến nông của cán bộ giảng viên và sinh viên được nâng lên, đồng thời tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ, đóng góp vào quỹ phúc lợi của Nhà trường. Chỉ tính riêng năm 1986, với các dự án, chương trình tiến hành ở 5 tỉnh: Bắc Thái, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng, trường Đại học Nông nghiệp III đã góp phần làm tăng sản lượng lương thực thực phẩm, góp phần giải quyết các nhu cầu sản xuất khác cho các tỉnh với tổng giá trị lên tới hàng chục triệu đồng, đóng góp vào quỹ phúc lợi của Trường (1.250.000 đồng). Các chương trình, dự án, các mô hình được áp dụng thực hiện ở các địa phương đã ngày càng khẳng định vị trí trung tâm khoa học kỹ thuật của trường Đại học Nông nghiệp III.

Công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý

Công tác cán bộ ở giai đoạn này có những điểm mới so với trước. Lần đầu tiên đã tiến hành bầu hiệu trưởng Nhà trường với phương thức dân chủ, công khai. Hiệu trưởng đầu tiên được cán bộ viên chức Nhà trường bầu là PGS.TS. Nguyễn Khánh Quắc vào năm 1991.

Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý từ bộ môn đến khoa được tiến hành theo quy trình dân chủ bầu cử và lấy phiếu tín nhiệm trước khi bổ nhiệm lãnh đạo các phòng, trại thực tập và các trung tâm.

Cuối năm 1988, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các phòng ban tham mưu theo hướng giảm đầu mối, gọn nhẹ, hiệu quả. Trường đã giải thể 11 phòng, ban để lập lại 4 phòng và 1 trung tâm, bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm và tín nhiệm đảm nhận các vị trí tham mưu giúp việc cho Đảng ủy, Hiệu trưởng.

Cán bộ được bổ nhiệm thời gian này phần lớn là cán bộ Đảng viên trẻ, có năng lực, có trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao, được quần chúng tín nhiệm, đã góp phần hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều cán bộ khi được bổ nhiệm vào các chức vụ phó khoa, phó phòng, trưởng bộ môn... đều mới chỉ từ 27 đến 30 tuổi. Điều này đã thể hiện nhãn quan chính trị sáng suốt của lãnh đạo Nhà trường trong việc đào tạo, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý các cấp sau này.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường

Hoạt động đặc biệt về xây dựng tường rào bao quanh Trường được tiếp tục thực hiện ở giai đoạn này.

Cuối năm 1986, cuộc họp toàn thể cán bộ viên chức, học sinh sinh viên toàn trường được triệu tập. Sau khi nghe phổ biến quan điểm của lãnh đạo Nhà trường, cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên tiếp tục thể hiện sự thống nhất cao, quyết tâm hoàn thành bức tường gạch cao 1,8m, bao quanh hầu như toàn bộ diện tích của Trường.

Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo và bộ phận chuyên môn trực tiếp điều hành việc tiếp tục xây dựng bức tường. Các đoạn tường tiếp theo được xây dựng từ Trạm Y tế (nay là phía trước giảng đường A) về phía cầu đi vào Trường (do các khóa sinh viên 12, 13, 14 thực hiện); sau đó là đoạn từ Lò vôi (nay là khu ký túc xá B) đến cổng Xí nghiệp quốc phòng Z115 (do sinh viên các khóa 15, 16, 17, 18, 19 và 20 thực hiện).

Để thực hiện công việc này, ngoài sự đóng góp công sức của giáo viên, sinh viên thì Phòng Thiết bị - Vật tư của Nhà trường là đơn vị được giao thêm nhiệm vụ sản xuất vật liệu xây dựng: gạch, vôi để phục vụ cho xây dựng bức tường và cung cấp vật liệu cho xây dựng các công trình khác.

Với sự quyết tâm cao độ, tinh thần đoàn kết xây dựng và nhiệt tình đóng góp của cán bộ viên chức, các khoa, các thế hệ sinh viên từ khóa 12 đến 20, đến năm 1990 bức tường bao bảo vệ tài sản, đất đai của Nhà trường đã hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch, đúng kỹ thuật. Bức tường dài gần 5km, cao 2 - 2,5m từ khu vực cầu Nông Lâm vào đến cổng nhà máy Z115 vượt qua đồi, qua ruộng, qua suối... là kết quả của sự đóng góp công sức của hàng nghìn lượt cán bộ viên chức, sinh viên các thế hệ. Việc làm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề để bảo vệ quỹ đất, đảm bảo an ninh trật tự cho Nhà trường đến tận hôm nay.

Năm 1987, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái hỗ trợ Nhà trường xây dựng một nhà 2 tầng làm giảng đường, khi tiếp nhận giáo viên và sinh viên của trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh (nay là phòng thí nghiệm của khoa Khoa học cơ bản và khoa Môi trường) và một dãy nhà cấp 4 cho giáo viên ở trong khu vực đồng cỏ của Trại thực tập. Điều đó đã thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Nhà trường và địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho tỉnh Bắc Thái.

Một chủ trương lớn và cũng là hoạt động nổi bật trong xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường là thực hiện “ngói hóa” lớp học và “cấp 4 hóa” nhà ở cho cán bộ, giảng viên và sinh viên cũng đã hoàn thành ở giai đoạn này. Chủ trương này đã được thực hiện từ giai đoạn trước, song đến sau năm 1986 được triển khai mạnh mẽ hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ V (10/1986) đã đề ra mục tiêu: phấn đấu trong nhiệm kỳ thực hiện được 100% cán bộ công nhân viên và 70% sinh viên ở nhà cấp 4. Với quyết tâm mạnh mẽ và sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo Nhà trường, những nhà ở và lớp học ngói hóa đã dần thay thế cho các nhà ở, lớp học nhà lá.

Ngay trong năm học 1986 - 1987, Nhà trường đã tập trung sản xuất khối lượng lớn vật liệu (130 tấn vôi, 63 vạn viên gạch, 10.000 viên ngói xi măng), xây dựng được 11 công trình với diện tích là 11.500 m2, hoàn thành kế hoạch “cấp 4 hóa” nhà ở của cán bộ, giảng viên. Khu nhà ăn kiên cố cho sinh viên được cải tạo xây dựng năm 1986. Các khu giảng đường, phòng thí nghiệm... được tu sửa.

Đến năm 1987, kết thúc nửa nhiệm kỳ Đại hội V, với tinh thần tự lực tự cường trong xây dựng Nhà trường đã giải quyết xong tình trạng nhà ở tranh tre, 100% cán bộ, giảng viên, sinh viên ở nhà cấp 4, toàn bộ giảng đường, lớp học được ngói hóa. Nhiều đơn vị điển hình trong hoạt động này như Đoàn thanh niên đã tập hợp đoàn viên xây dựng câu lạc bộ của Đoàn; tổ giống xây dựng kho và chỗ làm việc của mình; thày trò khoa Kinh tế nông nghiệp xây dựng văn phòng làm việc của khoa... Nhiều công trình được xây mới, vượt 30% so với chỉ tiêu Đại hội V đề ra. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng giúp cho cơ sở vật chất của Nhà trường thêm khang trang. Đây là một cố gắng vượt bậc, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà trường trong xây dựng cơ bản.

Với những đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện ở giai đoạn 1986 - 1994, trường Đại học Nông nghiệp III đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị tiêu biểu xuất sắc, các trường đại học khu vực Bắc Thái suy tôn Trường là “Lá cờ đầu” liên tục 3 năm. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái công nhận trường Đại học Nông nghiệp III là “Lá cờ đầu” trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, và được nhận cờ luân lưu của Bộ Nội vụ. Giai đoạn này đã chuẩn bị những điều kiện quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Nhà trường ở những năm tiếp theo, nhất là trong việc trang bị cho đội ngũ cán bộ giảng viên những điều kiện cần thiết để chuẩn bị nắm bắt các cơ hội mới, nâng cao trình độ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN