Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

Trường Đại học Nông nghiệp III giai đoạn 1975 - 1986: Đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

01/06/2021 22:59 - Xem: 2508
Sau khi ra khỏi cuộc chiến đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, nước ta lại đứng trước những thử thách nặng nề của một cuộc chiến đấu mới. Đó là cuộc chiến chống lại cái đói nghèo, lạc hậu, cũ kỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Việc tiếp tục duy trì cơ chế quản lý tập trung, bao cấp trở thành một rào cản đối với quá trình đi lên của đất nước, khiến cho tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Ổn định đời sống nhân dân sau chiến tranh, khôi phục và xây dựng nền kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ được đặt ra. Muốn vậy, trước hết cần tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu về lương thực, hàng tiêu dùng cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Những vấn đề lịch sử ấy đã đặt ra cho cả dân tộc những yêu cầu mới, sứ mệnh mới, trong đó có nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo.

Nghị quyết Đại hội IV nêu rõ: “... tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước; phát triển giáo dục phổ thông; sắp xếp, từng bước mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; phát triển rộng rãi các trường dạy nghề”.

Đứng trước nhiệm vụ và yêu cầu mới của toàn ngành, trường Đại học Nông nghiệp III đã có những điều chỉnh để ổn định hoạt động dạy và học sau chiến tranh, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giải quyết những đòi hỏi của tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, lãnh đạo Nhà trường đã có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo mang tính đột phá, đem lại những hiệu quả to lớn, có ý nghĩa không chỉ với giai đoạn này mà cho cả các giai đoạn sau.

Những đột phá trong tư duy và hành động

 Giai đoạn 1975 - 1985 đánh dấu việc tổ chức Đảng của Nhà trường được kiện toàn một cách mạnh mẽ với việc tổ chức bốn kỳ Đại hội Đảng bộ. Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ nét qua các Nghị quyết chỉ đạo một cách toàn diện các hoạt động của Nhà trường, tạo nên những chuyển biến tích cực.

Ngày 29/10/1976, Đại hội toàn thể Đảng viên lần thứ I của Đảng bộ trường Đại học Nông nghiệp III được tổ chức. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự kiện toàn tổ chức Đảng của Nhà trường. Đại hội đã đánh giá toàn bộ hoạt động của Trường từ khi thành lập, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng Tố Hữu và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái Vũ Ngọc Linh
về thăm và làm việc tại Trường ngày 05/02/1980

Sau Đại hội II, lần đầu tiên Đảng bộ có Ban Thường vụ thay mặt cho cấp ủy trực tiếp lãnh đạo thường xuyên các mặt công tác trong Nhà trường.

Sau khi kiện toàn, Đảng bộ trường Đại học Nông nghiệp III đã tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành bốn nhiệm vụ trọng tâm do Đảng ủy đề ra là:

Tăng cường công tác xây dựng, bảo vệ Đảng và lãnh đạo các tổ chức quần chúng.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tiến hành củng cố và từng bước tăng cường xây dựng cơ sở vật chất. Ổn định và cải thiện đời sống của cán bộ giảng viên, sinh viên.

Đảm bảo an ninh quốc phòng.

Công tác xây dựng và bảo vệ Đảng

Hàng tháng Đảng ủy đều ban hành nghị quyết để chỉ đạo sát sao các mặt công tác, phân công thường xuyên từng Đảng ủy viên phụ trách từng nghị quyết và những vấn đề cấp bách trong khoảng thời gian nhất định.

Nhiệm vụ chung của công tác xây dựng Đảng trong thời gian này là nắm vững đường lối của Đảng, quán triệt sâu sắc phương hướng, nhiệm vụ công tác của ngành và nhiệm vụ chính trị do Đại hội Đảng bộ vạch ra, vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm đã tổng kết, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm làm cho công tác xây dựng Đảng bám chắc vào nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, bảo đảm cho Đảng bộ luôn luôn đoàn kết nhất trí, gắn bó chặt chẽ với quần chúng để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Trên cơ sở nhiệm vụ chung nói trên, công tác xây dựng và bảo vệ Đảng đã tập trung vào hai nội dung chủ yếu:

Một là, cải tiến và tăng cường công tác tư tưởng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về công tác tư tưởng.

Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai các Nghị quyết của Đảng, Đảng bộ đã chú trọng việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng về những nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới của thời kỳ quá độ lên CNXH. Giáo dục về ý thức cảnh giác, chống lại những luận điệu xuyên tạc và hành động chống phá của kẻ thù. Giáo dục tư tưởng say mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ đối với giảng viên và ý thức kỷ luật, tinh thần ham học đối với sinh viên. Kiên quyết chống lại những biểu hiện và hành động mang tính phá hoại, tiêu cực, sự sa sút về nhiệt tình cách mạng và ý thức trách nhiệm trong Đảng viên và quần chúng.

Hai là, hoàn thiện, chấn chỉnh công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ của Đảng vững mạnh để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Đảng bộ trường đã chú ý đến việc cải tiến phương pháp và lề lối làm việc. Căn cứ vào tình hình hoạt động của Nhà trường, Đảng bộ đề ra các nhiệm vụ trung tâm, có tính chiến lược và toàn diện, đảm bảo sự lãnh đạo đối với hoạt động của toàn trường; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý, sắp xếp cán bộ hợp lý, đảm bảo việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, Nhà trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là hai nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho các tỉnh miền núi và nghiên cứu khoa học, đưa các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất ở miền núi và cả nước nói chung.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đàm Quang Trung (Tư lệnh Quân khu I)
về thăm Trường ngày 12/4/1983

Giai đoạn này trường Đại học Nông nghiệp III là trường đại học duy nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Thái có lãnh đạo Trường là Tỉnh ủy viên ba khóa liên tiếp. Điều này đã thể hiện sự tham gia tích cực và những đóng góp của cá nhân đồng chí Nguyễn Đậu cũng như tập thể trường Đại học Nông nghiệp III đối với tỉnh Bắc Thái trong việc góp phần hoàn thành các kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, đổi mới công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Về công tác phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy

Giai đoạn 1975 - 1986 đánh dấu bước đột phá quan trọng của Nhà trường trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ, là khâu quyết định để nâng cao chất lượng đào tạo Nhà trường. Chủ trương này được thực hiện qua nhiều biện pháp sau:

- Giữ lại những sinh viên có kết quả học tập tốt nhất để đào tạo thành cán bộ giảng dạy. Chủ trương này bắt đầu được thực hiện từ sinh viên khóa 3 (K3) và đã thực sự đào tạo cho Nhà trường những chuyên gia hàng đầu về các chuyên ngành nông lâm nghiệp, cũng là những cán bộ nòng cốt của Trường.

Chủ động cử các cán bộ giảng viên trẻ đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài. Nhiều cán bộ trẻ đã được cử đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh  hoặc thực tập sinh. Trường cũng cử cán bộ, giảng viên tham gia các khóa học ngắn hạn tại các cơ sở nghiên cứu trong nước.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lãnh đạo nhà trường xác định muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải tăng cường hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên trẻ, nâng cao một cách toàn diện chất lượng đội ngũ. Trong năm học 1976 - 1977, dù còn nhiều khó khăn song đã có trên 20 giảng viên được cử đi học ngoại ngữ Nga văn và Anh văn. Mô hình lớp học tiếng Anh cho cán bộ toàn trường được thực hiện vào những năm 1982 - 1984 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, tạo nên một phong trào học tập ngoại ngữ trong cán bộ, giảng viên. Ngoài các lớp học dài hạn và cử đi học tập tại Hà Nội, Nhà trường còn mở các lớp do những giảng viên giỏi ngoại ngữ giảng dạy. Nhờ đó, nhiều cán bộ trẻ đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếp tục tham gia các khóa học chuyên môn ở nước ngoài và sau này trở thành lãnh đạo, quản lý Nhà trường.

- Nhà trường chú trọng việc nâng cao tay nghề thực hành cho giảng viên trẻ. Những sinh viên được giữ lại đào tạo làm giảng viên đều phải trực tiếp tham gia chỉ đạo sản xuất, bám sát địa bàn thực tế. Thời gian đi cơ sở ít nhất phải từ 6 tháng đến 2 năm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên có kinh nghiệm. Các buổi sinh hoạt chuyên môn được tổ chức thường xuyên để cho giảng viên trẻ từng bước hoàn thiện trình độ chuyên môn và kỹ năng đào tạo. Nhờ đó, Nhà trường đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên vững vàng về lý thuyết, giỏi về thực hành theo phương châm “chân đi - miệng nói - tay làm”, không quản ngại khó khăn trong công việc.

- Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tiếp nhận những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ trường Đại học Nông Nghiệp I, cán bộ từ các cơ quan, Viện Nghiên cứu nhằm bổ sung cho Nhà trường những thày, cô giỏi về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đến năm 1982, Trường có 150 cán bộ giáo viên ở 23 bộ môn. Những môn học trước đó phải mời giảng viên từ Hà Nội lên dạy thì nay Trường đã có đủ cán bộ để giảng dạy.

Công tác đào tạo với trọng tâm là nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp

Từ khi có tên gọi trường Đại học Nông nghiệp III, Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và cán bộ quản lý Kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc tại vùng núi và trung du Bắc bộ. Ngày 28/8/1976, Bộ Nông nghiệp đã ra Quyết định số 142/NN/TC/QĐ về việc thành lập khoa Kinh tế Nông nghiệp của trường Đại học Nông nghiệp III. Điều đó đã thể hiện rõ nhận thức và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Số lượng chỉ tiêu đào tạo của Trường được giao cũng tăng lên. Số chỉ tiêu tuyển mới được giao năm 1976 là 350 sinh viên, trong đó tuyển sinh dài hạn là 250 (Trồng trọt: 100 sinh viên, Chăn nuôi thú y: 100 sinh viên, Kinh tế nông nghiệp: 50 sinh viên) và 100 sinh viên dự bị đại học.

Sau năm 1975, do yêu cầu về nguồn nhân lực để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp rất lớn; Nhà trường đã có những điều chỉnh kịp thời để vừa đáp ứng yêu cầu về tăng cường nhân lực vừa đảm bảo công tác đào tạo.

Sau 10 năm đầu xây dựng, Nhà trường đã rà soát và bổ sung mục tiêu đào tạo đối với các khoa chuyên môn và xác định: “Người kỹ sư được trường Đại học Nông nghiệp III đào tạo ra phải có trình độ chung bậc đại học về kiến thức cơ bản cơ sở của ngành, hiểu được sâu sắc các môn kỹ thuật ngành nghề có thế mạnh của miền núi: cây công nghiệp, cây ăn quả, đại gia súc, đồng cỏ. Có kiến thức quản lý kinh tế kỹ thuật, đồng thời phải có đạo đức tốt, có tác phong của con người mới XHCN, tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức làm chủ tập thể, có tinh thần lao động, nhiệt tình sáng tạo, yên tâm phục vụ lâu dài miền núi”.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo nêu trên, Trường thực hiện chủ trương “nhất thể hóa”. Nội dung của chủ trương đó là gắn đào tạo với công tác thực hành bằng cách đưa trụ sở các khoa chuyên môn vào trong trại thực tập và kết hợp các bộ môn của Khoa và các tổ sản xuất của Trại thành bộ môn Nhất thể hóa do Khoa chuyên môn quản lý. Cách thức tổ chức và quản lý cũng được thay đổi cho phù hợp: Bộ môn Nhất thể hóa vừa đảm nhiệm việc giảng dạy lý thuyết, vừa có ruộng, vườn, chuồng, trại để thực hành rèn nghề cho sinh viên. Với cách làm mới này, các bộ môn: Cây ăn quả, Cây lương thực của khoa Trồng trọt; bộ môn Chăn nuôi gia súc, Chăn nuôi gia cầm của khoa Chăn nuôi thú y đã đào tạo ra đội ngũ kỹ sư có kiến thức và tay nghề cao.

Thực hiện phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, hoạt động đào tạo được tiến hành trên cả bốn địa bàn: giảng đường, phòng thí nghiệm, trại thực tập và cơ sở sản xuất.

Công tác rèn nghề rất được coi trọng. Đây là biện pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo đối với sinh viên, thực hiện mục tiêu đào tạo đã được xác định. Trường đã chỉ đạo biên soạn các bộ giáo trình, tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo, rèn nghề, thực hành thực tập và mang lại những chuyển biến tích cực. Năm 1976, Đảng bộ Nhà trường đã nhận định: “nét nổi bật trong năm học này là thày và trò cùng tiến hành xây dựng các công trình rèn nghề tại trường như: ngành Chăn nuôi thú y đã thực hiện các công trình nuôi lợn nái, lợn thịt, gà công nghiệp; ngành Trồng trọt làm công trình cánh đồng lúa, đồi chè, vườn cây ăn quả... Thông qua các công trình này, tay nghề của học sinh được nâng lên rõ rệt...”.

Qua các năm học, công tác rèn nghề tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ. Số giờ thực hành các môn học chuyên khoa được nâng lên hoặc được cải tiến trong quá trình đi thực tập giáo trình tại các nông trường, viện hoặc hợp tác xã. Từ 1980, Nhà trường thực hiện phương thức thực tập tốt nghiệp độc đáo là “Thực tập gối” cho sinh viên cuối khóa. Cách làm này đảm bảo Trường có sinh viên thực tại các địa bàn trong mọi mùa vụ, nhờ đó công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả hơn.

Hoạt động rèn nghề ở Trại thực tập được cải tiến một bước lớn, chương trình rèn nghề cho một khóa học được xây dựng như một môn học do Trại thực tập đảm nhiệm. Chương trình rèn nghề được xây dựng chi tiết gồm 3 nội dung: năm thứ 2, rèn nghề các thao tác cơ bản R1 (cày, bừa, ủ phân, quét dọn chuồng trại...); năm thứ 3 rèn nghề công đoạn sản xuất R2 (chăm sóc lúa, xử lý ra hoa trái vụ dứa, tiêm phòng gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn gia súc...) và đến năm thứ 4 rèn nghề qui trình R3 (thực hiện trọn vẹn  quy trình chăm sóc một cây (lúa, ngô, cây ăn quả..) hoặc một con (lợn, gà..). Nhờ công tác quản lý rèn nghề chặt chẽ nên sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với đồng ruộng, chuồng trại, có tay nghề chuyên môn cao. Kết thúc rèn nghề, sinh viên có trình độ tay nghề 3/7 của công nhân nông nghiệp và sau khi ra trường đã hình thành đội ngũ cán bộ “Giỏi tay nghề” cho khu vực miền núi và trung du phía Bắc.

Giai đoạn này, Trại thực tập được tăng cường củng cố và đầu tư hơn trước. Các mô hình đồi chè, ruộng lúa, đồng cỏ, trại chăn nuôi gia súc gia cầm, ao cá... là niềm tự hào của cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Hầu hết các công trình rèn nghề và nhiều đề tài nghiên cứu thí nghiệm của thày và trò đã được tiến hành tại Trại. Hàng triệu cây, con giống đã được đưa ra phục vụ học tập và sản xuất, đồng thời cung cấp được nông sản phẩm để cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ công nhân viên và sinh viên toàn trường. Nét nổi bật là Trại đã xóa bỏ cách quản lý theo hành chính bao cấp, bắt đầu thực hiện Nghị quyết 25-26/CP của Chính phủ và Nghị quyết 121 của Bộ Nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Cùng với rèn nghề, công tác thực hành được thực hiện chặt chẽ (mỗi lớp thường chia thành 3 nhóm sinh viên). Nhiều môn học được tăng cường thực hành như Truyền nhiễm, Vi trùng, Truyền tinh, Giải phẫu thực vật, Phân loại thực vật... đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác đào tạo.

Sinh viên ngành Trồng trọt thực hành môn hóa phân tích năm 1973

Trong chương trình học, sinh viên được bố trí đi nông thôn 2 tháng. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường với địa phương. Sinh viên được tổ chức đi thực tế, thực tập giáo trình theo ngành học. Địa bàn thực tập trải dài trên các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc (thông thường là đi tiêm phòng dịch, thống kê số lượng gia súc, gia cầm; chỉ đạo sản xuất Đông Xuân; xây dựng bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng...). Nhờ đó người học có điều kiện tiếp xúc với thực tế sản xuất, với người dân để làm quen môi trường nông thôn, và học hỏi về kinh nghiệm, tập quán sản xuất.

Việc đi lại ăn ở tại các cơ sở thực tập do phòng Đời sống đảm nhiệm. Các cán bộ công nhân viên phòng Đời sống mang theo đầy đủ vật dụng, lương thực, thực phẩm để phục vụ cho các bữa ăn của sinh viên. Những đóng góp âm thầm của các cán bộ phòng Đời sống đến giờ mọi người vẫn ghi nhớ như bác Thanh, cô Luận, ông Điệp, bà Bạn...

Công đoàn viên nhà trường (có nhiều cán bộ phòng Đời sống) thăm quan Pắc Bó (1972)

Hàng năm, Nhà trường giao cho các khoa đưa sinh viên đi thực tế tại các cơ sở sản xuất như Nông trường Sông Cầu, Nông trường Quân Chu, Trại nghiên cứu chè Phú Hộ (Phú Thọ), Viện cây lương thực Lương Đình Của (Hải Dương)... Thời gian vừa thực tập thực hành, lao động khoảng một tháng. Tại đây, các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm của cơ sở thực tập sẽ trực tiếp trình bày các nội dung chuyên môn theo yêu cầu của Nhà trường, đồng thời chia sẻ kiến thức thực tế cho đoàn sinh viên thực tập, hướng dẫn thăm quan phòng thí nghiệm, đồng ruộng, chuồng trại... Mỗi năm học, sinh viên được tổ chức đi cơ sở từ một đến hai đợt. Ngoài ra hàng tuần còn lao động, thực hành tại Trại thực hành của Trường.

Không chỉ đào tạo số sinh viên do Trường tuyển sinh, Nhà trường còn đào tạo các sinh viên được chuyển đến từ các trường khác và sinh viên Lào.

Năm 1977, trường Đại học Thanh niên Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (thuộc tỉnh Hà Sơn Bình) được sắp xếp lại. 25 sinh viên đang theo học đã chuyển sang trường Đại học Nông nghiệp III học ngành Trồng trọt và 25 sinh viên sang học ngành Chăn nuôi thú y. Số sinh viên này vào học cùng sinh viên khóa 7. Do đó, khóa 7 có ba lớp Trồng trọt (A, B, F) và ba lớp Chăn nuôi (C, D, E).

Năm 1983, trường Đại học Nông nghiệp II chuyển từ Hà Bắc vào Huế. Một số sinh viên đang học năm thứ 3 ở đây đã được trường Đại học Nông nghiệp III tiếp nhận và bố trí để học tiếp chương trình.

Từ năm 1984, Trường thực hiện công tác tiếp nhận và đào tạo sinh viên Lào. Đây là những cán bộ của các trường và các tỉnh của Lào cử đi học. Nhà trường đã sắp xếp chỗ ăn, ở và cử sinh viên Việt Nam làm cố vấn học tập cho số sinh viên này. Các sinh viên Lào vào học cùng khóa 16 và khóa 17, trong đó khóa 16 có 05 sinh viên theo ngành Trồng trọt, 02 sinh viên theo học ngành Chăn nuôi thú y, 01 sinh viên học ngành Kinh tế nông nghiệp. Hoạt động đào tạo sinh viên quốc tế của Nhà trường được tiếp tục thực hiện ở các năm học sau đó. Đây là những đóng góp của trường Đại học Nông nghiệp III vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào.

Giai đoạn 1975 - 1986, với 12 khóa đào tạo (từ khóa 7 đến khóa 18), Nhà trường đã có số lượng sinh viên 3 ngành Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Kinh tế nông nghiệp là 2.753 sinh viên, trong đó ngành Trồng trọt có 881 sinh viên, ngành Chăn nuôi thú y 993 sinh viên và 879 sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp.

Về công tác nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất

Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường, đồng thời khẳng định uy tín của trường đại học.

Sau năm 1975, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ II (1979), công tác nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất có những bước chuyển biến mới tích cực. Giai đoạn này, Trường đã tổ chức thành công hội nghị khoa học lần thứ 1, 2 và lần thứ 3. Trên cơ sở tìm hiểu yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đánh giá đúng đắn về năng lực nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã vạch ra phương hướng hoạt động của công tác khoa học, đồng thời xây dựng được các chương trình kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp ở các tỉnh miền núi, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn liền với thực tế sản xuất.

Trường xây dựng được ba bộ môn mũi nhọn gắn với các thế mạnh của sản xuất nông nghiệp miền núi gồm: bộ môn Cây lương thực thực phẩm, bộ môn Cây công nghiệp và ăn quả, bộ môn Chăn nuôi đại gia súc. Các bộ môn này đảm nhận phần lớn các đề tài nghiên cứu, các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thực sự đã tạo được những dấu ấn đậm nét về vai trò của trường Đại học Nông nghiệp III tại các địa phương.

Các hình thức thực hiện chuyển giao khá đa dạng: thông qua các hợp đồng kinh tế giữa Nhà trường với lãnh đạo các địa phương hoặc trực tiếp với các đơn vị sản xuất. Những đề tài, dự án điển hình như:

- Năm 1981, Khoa Trồng trọt thực hiện chương trình chỉ đạo sản xuất thâm canh ngô tại huyện Ba Bể và chỉ đạo sản xuất ngô lai tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Thái.

- Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái và huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn do khoa Trồng trọt thực hiện từ năm 1982. Trường đã chỉ đạo tăng sản trên diện tích gần 80 ha lúa với giống K3 tại hợp tác xã Yên Lãng, huyện Đại Từ đạt 9,4 tấn/ha/2 vụ, được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái đánh giá cao. Mô hình tăng sản này sau đó đã được áp dụng để chỉ đạo thực hiện mục tiêu 6000 ha tăng sản của tỉnh Bắc Thái. Những người trực tiếp tham gia hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là các giảng viên trẻ của Trường.

- Từ 1982, Trường đã chỉ đạo thâm canh tăng năng suất và giâm cành chè mới tại nông trường chè Sông Cầu và các xã Phục Linh (Đại Từ), Sơn Phú (Định Hóa), Tân Trào (Tuyên Quang). Kết quả, đã làm tăng năng suất và sản lượng chè, phát triển giống chè mới (Giống PH1) bằng phương pháp giâm cành được các cơ sở đánh giá cao và phân chia sản phẩm cho trường. Do có thành tích xuất sắc trong các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nên các thày: Hoàng Ngọc Đường, Vi Văn Tăng, Hoàng Văn Phụ đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

- Khoa Chăn nuôi thú y ký kết với tỉnh Bắc Thái và các huyện trong tỉnh thực hiện các chương trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (huyện Định Hóa, Đại Từ). Điển hình là chương trình chuyển giao kỹ thuật mới cho hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (hợp tác xã được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng, do ông Đặng Đình Sinh làm chủ nhiệm). Kết quả nổi bật của chương trình là giảm sự tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi lợn nái từ 16 kg xuống còn 11 kg/1 kg lợn con tăng trọng, và thực tế chỉ sử dụng hết 7 kg/1 kg lợn. Số lương thực tiết kiệm được hợp tác xã đã chuyển thưởng cho Nhà trường hàng chục tấn thóc.

Chương trình tăng tỷ lệ đàn lợn thịt lai ngoại tại thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ cũng gây được tiếng vang trong tỉnh. Lúc đó tỷ lệ lợn lai kinh tế của huyện Đồng Hỷ chỉ đạt khoảng 10%, của thành phố khoảng 15%. Sau 3 năm thực hiện chương trình, tỷ lệ lợn lai ngoại ở hai địa phương này đã đạt trên 50%, khối lượng lợn xuất chuồng tăng 30 - 40%. Điểm đặc biệt là toàn bộ tinh lợn ngoại sử dụng cho chương trình này được sản xuất từ Trại chăn nuôi của Nhà trường.

- Năm 1980 - 1981, khoa Chăn nuôi thú y tiến hành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển chăn nuôi lợn tại tỉnh Cao Bằng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngày 13/1/1982, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ra Quyết định số 01/UBQĐ tặng bằng khen cho một tập thể và hai cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phục vụ phát triển sản xuất của tỉnh.

- Mô hình Vườn cây ăn quả được xây dựng thành công với đóng góp của thày Trần Như Ý đã đưa trường Đại học Nông nghiệp III trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp các giống cây ăn quả cho miền núi như: bưởi Pômelo, vải thiều (hai giống Thanh Hà và Phú Hộ), táo (giống Thiện Phiến và Gia Lộc), dứa Cayen... Đặc biệt, sau thành công của mô hình vườn cây ăn quả tại Trường, đồng chí Vũ Ngọc Linh (Bí thư Tỉnh ủy) đã đề nghị Trường xây dựng một vườn cây ăn quả trong khuôn viên Tỉnh ủy. Sau một thời gian, vườn cây Tỉnh ủy do sinh viên Trồng trọt khóa 6 trực tiếp thực hiện đã cho các sản phẩm: bưởi Pomelo, táo Thiện phiến, doi đỏ Nam bộ... Đây là một mô hình có ý nghĩa lớn cả về kinh tế và về chính trị, khuyến khích các huyện trong tỉnh khai hoang sử dụng đất đồi trong điều kiện đất ruộng có hạn. Sau đó mô hình này còn được áp dụng ở Nhà Thờ Thái Nguyên, Cục Kỹ thuật và Cục Hậu cần của Quân Khu I.

Với những kết quả đạt được của công tác nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như trên, trường Đại học Nông nghiệp III đã đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của các địa phương, mang lại nguồn thu cho Nhà trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Các công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã được tổng kết trong Kỷ yếu khoa học kỹ thuật, Thông tin khoa học kỹ thuật xuất bản định kỳ 3 đến 6 tháng của Nhà trường.

Hiệu trưởng Nguyễn Đậu cùng quân dự nhiệm xuất sắc của Nhà trường,
tháng 11 năm 1980

 

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, ổn định đời sống cán bộ giảng viên và sinh viên

Khi thành lập, hệ thống cơ sở vật chất của Trường đều là tiếp nhận lại từ trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Miền núi nên bước vào giai đoạn này Nhà trường đã chú trọng việc cải tạo và xây mới các công trình. Ngay trong năm 1976, Trường đã làm mới được 424m2 nhà ở, đào thêm hai giếng nước, sửa chữa được 450m2 nhà tranh tre. Đặc biệt cũng trong năm này, Trường đã tích cực đề nghị và được Chính phủ duyệt nhiệm vụ thiết kế cho Nhà trường. Nhiều công trình phục vụ cho nghiên cứu khoa học được xây dựng: sử dụng đất đồi có nhiều độ dốc khác nhau, nhà lưới, chuồng thỏ, phòng cấy mô thực vật, phòng cấy vi trùng, cải tạo được 2 ha đồi ruộng ở trại, mua sắm được các hóa chất...

Về tổ chức đời sống: nhiều biện pháp nhằm ổn định đời sống của cán bộ và sinh viên được thực hiện. Ngay từ đầu, Đảng ủy đã tập trung để giải quyết các vấn đề cơ bản, cử Đảng ủy viên trực tiếp phụ trách những công việc cụ thể: nhà ăn, sản xuất rau xanh, trồng sắn, đào giếng nước, giao đất sản xuất theo các mô hình cho cán bộ viên chức trong trường. Nhà ăn tập thể cũng áp dụng nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo bữa ăn cho cán bộ, giảng viên và sinh viên. Vào những ngày lễ lớn, Nhà trường bán thêm cho cán bộ và sinh viên những sản phẩm do Trại làm ra để cải thiện đời sống: cá, gà, thịt lợn... Công tác ở, chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ luôn được chú ý; tổ chức phát động quần chúng tham gia xây dựng Trường, Trại, đẩy mạnh sản xuất nguyên vật liệu tại chỗ (vôi, gạch) để đẩy nhanh tốc độ thi công các công trình nhà ở, chuồng trại nhằm giải quyết kịp thời các yêu cầu cơ bản cho việc giảng dạy, học tập và tổ chức đời sống trong Nhà trường nhằm giải quyết một phần khó khăn về đời sống; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, lành mạnh.

Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp GS. Nguyễn Đình Tứ

cùng Hiệu trưởng Nguyễn Đậu thăm khu thí nghiệm lúa của Trường năm 1982

Kết quả, từ năm 1979 đến 1982, Trường đã sản xuất được trên 100 tấn vôi, hơn 42 vạn gạch các loại. Trên 700m2 giảng đường lớp học và thư viện, trên 600 m2 nhà ở cấp 4 và trên 350 m2 chuồng trại được xây được sửa chữa, xây mới. Nhà trường đảm bảo thực hiện hai lớp có một giảng đường, hai bộ môn có một phòng thí nghiệm, đảm bảo tạm đủ điều kiện ăn ở cho cán bộ nhân viên và sinh viên.

Những năm này tình trạng khan hiếm lương thực ngày càng trầm trọng trên cả nước. Chính phủ lo ăn từng tháng cho cán bộ viên chức và người dân thành phố. Các cơ quan, trường học lo ăn từng tuần, từng ngày cho cán bộ sinh viên. Nhiều trường đại học đã phải cho sinh viên nghỉ về với gia đình hàng tháng vì không có gạo. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, trường Đại học Nông nghiệp III vẫn lo đủ lương thực, sinh viên không phải nghỉ ngày nào, hoạt động đào tạo được duy trì bình thường. Điều này đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn cũng như tính hiệu quả từ những chủ trương lớn mà Trường đã thực hiện.

Một sự kiện nổi bật về xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ tài sản là chủ trương xây dựng tường rào bao quanh Trường.

Nhận thấy diện tích của Nhà trường rộng, giáp với nhiều cơ quan, đơn vị, nhưng chưa đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên, đồng thời không thuận lợi cho công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển nguồn tư liệu đất đai phục vụ đào tạo của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Ban Tự quản sinh viên đã họp để bàn việc xây dựng một bức tường phân định ranh giới giữa Trường với các khu vực dân cư có liên quan đến phần đất đai của nhà trường.

Kế hoạch được xây dựng và triển khai: mỗi cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên phải hoàn thành bức tường dài 3 m với quy cách được quy định cụ thể. Toàn bộ các khâu từ khai thác cát, đóng, đốt gạch, đào móng xây tường là do sinh viên đảm nhiệm. Công trình được tiến hành đợt 1 do Đảng ủy, Ban Giám hiệu trực tiếp chỉ huy. Lán chỉ huy được xây dựng tại khu vực thi công. Đoạn tường đầu tiên được khởi công xây dựng là khu Lò vôi, giáp ranh với xóm Tiến Ninh, do sinh viên các khoa Chăn nuôi thú y, Trồng trọt, Kinh tế Nông nghiệp từ khóa 12 đến khóa 15 thực hiện có chiều dài hơn 300 m. Tổng chỉ huy là thày hiệu trưởng Nguyễn Đậu cùng với các phó hiệu trưởng, Trưởng, Phó các khoa, phòng trực thuộc và cán bộ chuyên môn khác. Sau hơn 1 tháng lao động quyết liệt, đoạn tường bao đồ sộ đã được xây lên với sự hân hoan của toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức và sinh viên Nhà trường.

Tham gia xây dựng bức tường bao xung quanh Trường là một dấu ấn đặc biệt với nhiều thế hệ cán bộ và sinh viên trường Đại học Nông nghiệp III. Đợt 1 của kế hoạch được hoàn thành đã tạo khí thế quyết tâm cao độ trong toàn thể cán bộ, sinh viên Nhà trường, là cơ sở để kế hoạch tiếp tục được thực hiện và hoàn thành ở giai đoạn sau đó.

Công tác đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện các nhiệm vụ quân sự

Sau năm 1975, cùng với hoạt động đào tạo, trường Đại học Nông nghiệp III tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ quân sự với Nhà nước.

Giữa lúc hoạt động của Nhà trường đang ổn định, ngày 17/2/1979 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Lệnh tổng động viên do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký, nhiều cán bộ, giảng viên Nhà trường và toàn bộ nam sinh viên của khoa Chăn nuôi thú y cùng nhiều sinh viên khoa Trồng trọt, Kinh tế nông nghiệp đã nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Để hỗ trợ cho lực lượng bộ đội chủ lực bảo vệ biên giới phía Bắc, một tiểu đoàn gồm toàn bộ giáo viên và sinh viên khoa Chăn nuôi Thú y từ khóa 6 đến khóa 10 được thành lập. Trong một tháng, tiểu đoàn khoa Chăn nuôi thú y của Trường, thuộc Trung đoàn Đồng Hỷ đã xây dựng hàng chục km phòng tuyến biên giới tại huyện Bình Gia và huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn, góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về đào tạo sĩ quan dự bị ở các trường đại học, năm 1980 sinh viên K7 của Trường đã hình thành một đại đội tham gia khóa đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Quân chính Quân khu I, trong đó có 1 tiểu đội nữ 12 người do cô Nguyễn Thị Liên làm tiểu đội trưởng. Đây là lực lượng được tăng cường phục vụ sản xuất nông nghiệp trong quân đội. Nhiều cán bộ, giảng viên của Trường sau khóa đào tạo đã chuyển ngành sang quân đội.

Tiểu đội nữ quân dự nhiệm K7 năm 1980
 Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Liên - ngồi hàng đầu, thứ 3 từ trái sang
 (nay là TS. Nguyễn Thị Liên, cựu giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y)

Trước đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ an ninh, công tác quân sự hóa Nhà trường cũng được thực hiện. Tiểu đoàn tự vệ được thành lập và kiện toàn về mặt tổ chức. Công tác huấn luyện tự vệ, tuyển quân được coi trọng và đạt kế hoạch đề ra. Qua các đợt huấn luyện, kiểm tra đánh giá của Tỉnh đội và Trường quân sự tỉnh, công tác quốc phòng an ninh và thực hiện nghĩa vụ quân sự của trường Đại học Nông nghiệp III luôn được đánh giá cao.

Trong các năm tiếp theo, nhiều thày và trò của Trường tiếp tục lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội, các thày giáo và sinh viên đã trở về Trường, tiếp tục công tác và học tập.

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự, đảm bảo an ninh quốc phòng, cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1975 đến 1985, nhiều cán bộ giảng viên và sinh viên các khóa 7 đến khóa 13 đã đóng góp hàng vạn công lao động để xây dựng Hồ Núi Cốc - hồ nước ngọt nhân tạo lớn cách Trường 10 km nhằm góp phần đảm bảo cho việc tưới tiêu và phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Thái. Tại đập chính, đập phụ, kênh Đông, kênh Tây... còn in dấu ấn của cựu sinh viên trường Đại học Nông nghiệp III và cũng là điểm đến của nhiều thế hệ sinh viên khi có dịp về thăm trường, đến với Bắc Thái.

Với những đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, sáng tạo trong thực hiện của đội ngũ lãnh đạo Nhà trường, và sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên, giai đoạn 1975 - 1985 đã đánh dấu những bước phát triển mới trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của trường Đại học Nông Nghiệp III. Năm 1981 Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, năm 1983, Trường vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhì. Đây là những ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành tích và đóng góp của Trường. Những kết quả đạt được ở giai đoạn này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Nhà trường ở giai đoạn tiếp theo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN