Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

Những hoạt động của ngày đầu xây dựng Trường Đại học Nông nghiệp III

01/06/2021 22:30 - Xem: 749
Sau ngày Trường thành lập, ban Xây dựng tiếp tục quản lý các hoạt động của Nhà trường do thày Lý Ngọc Tuân - Phó ban Xây dựng, phụ trách. Năm 1974, Ban Giám hiệu được thành lập gồm có thày Lý Ngọc Tuân là Phó hiệu trưởng, phụ trách chung; thày Nguyễn Đậu và thày Nguyễn Văn Hiệt là Phó hiệu trưởng. Về tổ chức Đảng: từ cuối năm 1971 đến năm 1976, đồng chí Dương Mạc Thạch (là một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang) được cử về làm Bí thư Đảng ủy Nhà trường. Đảng bộ Trường có các chi bộ trực thuộc gồm Chi bộ phòng Hành chính và Chi bộ giáo viên.

Về cơ sở vật chất

Khi mới thành lập, Nhà trường có diện tích khoảng 165 ha, thuộc địa bàn xã Quyết Thắng huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. Sau này, một phần đất của Nhà trường được giao cho Xí nghiệp Quốc phòng Z115 và làm khu dân cư nên diện tích Trường dần bị thu hẹp lại.


Đ/c Lý Ngọc Tuân,  Phó Hiệu trưởng, phụ trách chung (đứng giữa)
tại Hội trường nhà lá (nay là khu Trung tâm Đào tạo và Phát triển Quốc tế)

Hệ thống cơ sở vật chất Nhà trường tiếp nhận lại từ trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Bắc gồm có: khu nhà 2 tầng của Ban Xây dựng (hiện nay là Ban Giám hiệu), một nhà 2 tầng làm giảng đường (giảng đường C hiện nay), dãy nhà ở 3 tầng cho sinh viên (ký túc xá A hiện nay), bốn dãy nhà cấp 4 mái lợp ngói làm phòng thí nghiệm, khu vực ruộng lúa và đất đồi làm trại thực tập cho sinh viên. Hệ thống cơ sở này tuy chưa đồng bộ nhưng là tiền đề quan trọng để Nhà trường xây dựng, phát triển với một khuôn viên đẹp như hôm nay.

Về đội ngũ cán bộ và bộ máy tổ chức

Đội ngũ cán bộ của trường Đại học Kỹ thuật Miền núi được xây dựng từ các nguồn chủ yếu lúc này là trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Bắc, trường Đại học Nông nghiệp I, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Tổng hợp, và một số cơ quan trong tỉnh Thái Nguyên. Những cán bộ quản lý và giảng viên đầu tiên có mặt ở Trường đều là những người có trình độ và kinh nghiệm, trong đó nhiều thày cô đã có thời gian công tác lâu dài và tâm huyết với miền núi, có kinh nghiệm giảng dạy đối với đối tượng học sinh, sinh viên được Trường tuyển chọn.

Ngày 26/12/1969, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành Quyết định số 419/QĐ-TC về việc cử 19 cán bộ đến nhận công tác tại trường Trung cấp Nông nghiệp Việt Bắc. Đây là những cán bộ từ các đoàn chỉ đạo sản xuất đã được trường Đại học Nông nghiệp I đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm chuẩn bị về đội ngũ cán bộ giảng dạy cho trường Đại học Kỹ thuật Miền núi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp.

Để giảng dạy các môn khoa học cơ bản cho học sinh hệ dự bị và sinh viên chính khóa trước khi vào học chuyên ngành, ngày 30/9/1970 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ký Quyết định số 401/TC/QĐ điều động thêm 12 cán bộ giảng dạy khoa Khoa học cơ bản của trường Đại học Nông nghiệp I đến nhận công tác tại khoa Các bộ môn chung -trường Đại học Kỹ thuật Miền núi. Phụ trách Khoa là thày Nguyễn Công Vịnh - giảng viên môn Vật lý. Sau đó, đội ngũ cán bộ của Khoa được tiếp tục bổ sung thêm. Với sự tăng cường cán bộ, Khoa Các bộ môn chung (đến năm 1973 đổi tên thành khoa Khoa học cơ bản - Ngoại ngữ) đã có đủ giảng viên, cán bộ ở các môn: toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, thể dục, quân sự để giảng dạy các lớp dự bị và các lớp năm thứ nhất của ngành Trồng trọt và Chăn nuôi thú y.

Ngày 03/4/1973 Ủy ban Nông nghiệp Trung ương ra Công văn số 89 NN-TC/QĐ về việc tổ chức bộ máy quản lý của trường Đại học Nông nghiệp III, gồm có:

- Các cơ sở trực tiếp giảng dạy và thực tập:

Khoa Trồng trọt

Tổ Mác - Lê

Khoa Chăn nuôi thú y

Tổ Quân sự, thể dục thể thao

Khoa Khoa học cơ bản và Ngoại ngữ

Trại thực tập

 

- Các phòng nghiệp vụ giúp việc cho Ban Giám hiệu:

Phòng Giáo vụ

Phòng Kế hoạch vật tư

Phòng Tổ chức

Phòng Kế toán tài vụ

Phòng Hành chính quản trị

Phòng Y tế và bệnh xá

Các Khoa có Chủ nhiệm và từ một đến hai Phó chủ nhiệm Khoa cùng một trợ lý giúp việc. Trại thực tập có Trại trưởng, từ một đến hai Trại phó và một số cán bộ nhân viên. Số lượng, biên chế của các khoa, phòng, trại, tổ sẽ do Ủy ban Nông nghiệp Trung ương phân bổ hàng năm theo chỉ tiêu biên chế của Nhà nước.

Ngày 28/11/1973 Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương có Quyết định số 1352 NN - TC/QĐ cử các cán bộ giữ các chức vụ trưởng, phó phòng, phó chủ nhiệm khoa thuộc trường Đại học Nông nghiệp III.

Trong những năm học đầu, ngoài khoa Khoa học cơ bản - Ngoại ngữ đã có đủ cán bộ giảng dạy, Trường phải mời giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp I lên giảng dạy những môn học còn thiếu giảng viên. Qua các năm, đội ngũ cán bộ của Trường thường xuyên được tăng cường thêm từ các Trường, Viện, cơ quan trong cả nước.

Về công tác đào tạo

Năm 1970, Trường mới chỉ có hai khoa chuyên môn là Trồng trọt và Chăn nuôi thú y, đào tạo bậc đại học ở hai chuyên ngành là Trồng trọt (100 sinh viên) và Chăn nuôi thú y (50 sinh viên).

Đối tượng lúc đầu tuyển vào Trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa. Để học sinh có đủ trình độ vào học đại học, trong năm học đầu tiên Trường đã dành thời gian bổ túc thêm các môn toán, lý, hóa, sinh, văn của chương trình cấp III. Đến các năm học sau, khi có kỳ thi tuyển sinh của cả nước, với những địa phương có ít học sinh đủ điểm chuẩn tuyển chọn, Trường đã có chính sách chọn học sinh có điểm gần bằng điểm chuẩn. Nhà trường đã mở hệ dự bị đại học nhằm bồi dưỡng cho những học sinh có điểm thi chưa đủ đỗ, để sau một năm học học sinh có đủ kiến thức, điều kiện vào học đại học.

Khi mới vào học, sinh viên các khóa 1, 2 (gồm cả sinh viên hệ đại học, hệ dự bị đại học) đều do khoa Khoa học cơ bản - Ngoại ngữ quản lý. Sau khi học xong các môn cơ bản mới chuyển giao về các khoa chuyên môn quản lý và đào tạo.

Đ/c Dương Mạc Thạch - Bí thư Đảng ủy, Đ/c Lý Ngọc Tuân - Phó Hiệu trưởng
và Đ/c Nguyễn Đậu - Trưởng khoa Trồng trọt cùng sinh viên khóa 2 Trồng trọt
trước khi ra trường (1975)

Cùng với đào tạo bậc đại học chính quy, Nhà trường đã tổ chức đào tạo hệ tại chức từ khóa 1 (chủ yếu cho cán bộ tỉnh Bắc Thái) đến khóa 2 (cho nhiều tỉnh ở Việt Bắc). Sau đó nhiều lớp tại chức được các khoa chuyên môn mở ở nhiều địa phương trong khu vực (Lạng Sơn, Vĩnh Phú...).

Mặc dù trong điều kiện còn rất mới mẻ và nhiều thiếu thốn, song vấn đề nghiên cứu khoa học đã được Nhà trường đặt ra. Năm 1972, hội nghị khoa học đầu tiên đã được tổ chức. Các tham luận về chuyên môn được trình bày, như tham luận về phân đạm cho lúa NN8 của thày Nguyễn Đậu, tham luận về giống cỏ chăn nuôi của thày Lục Văn Ngôn... Tuy còn sơ khai, song đây là những tiền đề quan trọng cho những hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường ở các giai đoạn sau đó.

Hoạt động dạy và học nơi sơ tán:

Đầu năm 1972, trước những thất bại chiến lược ngày càng nặng nề, để cứu vãn tình thế sa lầy ngày càng nghiêm trọng ở miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định dùng B52 đánh phá trở lại miền Bắc nước ta. Thái Nguyên - một trung tâm công nghiệp của miền Bắc trở thành trọng điểm bắn phá ác liệt. Mọi hoạt động của miền Bắc phải chuyển từ điều kiện thời bình sang thời chiến.

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động dạy và học, toàn bộ sinh viên, giảng viên, cán bộ cùng nhân viên của nhà trường được lệnh sơ tán khẩn cấp đến 3 nơi. Khoá 1 được sơ tán lên Quán Vuông, xã Phú Tiến, huyện Định Hoá cùng Cơ quan trường; khoá 2 sơ tán lên xóm La Đường xã Khe Mo huyện Đồng Hỷ (cạnh nông trường Sông Cầu), sau chuyển lên xóm Đuổm ở một thời gian trước khi chuyển về tiếp quản cơ sở của khóa 1. Sau một thời gian khóa 2 chuyển lên xã Tân Dương, huyện Định Hóa ở và học tại đây đến khi về lại Trường; khóa 3 cùng cán bộ, giảng viên khoa Các bộ môn chung sơ tán lên các xã Yên Đổ, Yên Lương, huyện Phú Lương.

Trong những ngày sơ tán, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường đều dựa vào dân, ở nhờ nhà dân và giúp dân sản xuất nông nghiệp. Trong một tuần đầu tiên, thày và trò tập trung đào hầm hào trú ẩn, xây dựng lớp học tạm. Thày Nguyễn Đậu, thày Trần Văn Diễn mới đi học ở nước ngoài về cũng lên khu sơ tán để chỉ đạo chặt lá cọ làm lán. Những lán nhà và lớp học bằng tranh tre, nứa, lá đã được dựng lên trong rừng cây để làm nơi ăn, ở, học tập.

Hoạt động dạy và học nơi sơ tán luôn bị gián đoạn bởi sự phá hoại điên cuồng bằng không quân của đế quốc Mỹ. Các môn học được chuyển sang hình thức cuốn chiếu. Phương tiện dạy và học vốn đã thiếu, nay lại càng thiếu thốn hơn. Trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn có nhiều sinh viên học rất giỏi, đạt kết quả học tập cao. Hầu hết các sinh viên này khi tốt nghiệp được giữ lại trường làm giảng viên, một số về địa phương công tác. Nhiều người trong số đó đã trở thành lãnh đạo của Tỉnh và Trung ương.

Sinh viên K2 Trồng trọt trước khi ra trường
(Người ngồi hàng đầu ngoài cùng bên trái là Bùi Quang Vinh - lớp 2B,
hiện là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư)

Ngoài việc đảm bảo học tập và sinh hoạt ở nơi sơ tán, thày và trò còn tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân địa phương. Những công việc như lấy tre, nứa sửa chữa nhà cửa, sửa chữa sân phơi cho nhà dân nơi mình ở, chăm sóc sức khỏe cho mẹ liệt sĩ, giúp bà con cấy lúa, thu hoạch lúa, đắp đê phòng lũ ở huyện Phổ Yên được diễn ra rộng khắp ở các nhóm. Việc giúp đỡ nhân dân gắn với chuyên môn cũng giúp kiến thức thực tiễn của sinh viên được nâng lên. Trong những tháng ngày gian khổ nơi sơ tán ấy, tình cảm giữa nhân dân địa phương với cán bộ và sinh viên nhà trường ngày càng gắn bó. Nhà trường được người dân đùm bọc, chở che, tình cảm thày, trò ngày càng gắn kết. Đó là những dấu ấn sâu sắc, những kỷ niệm không thể nào quên đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên những khóa đầu tiên.

Năm 1972, hưởng ứng lệnh tổng động viên, nhiều giảng viên, sinh viên của Trường đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, trực tiếp kháng chiến chống Mỹ ở các mặt trận phía Nam. Nhiều người đã hy sinh, nhiều sinh viên trở về, tiếp tục tham gia học tập cùng các khóa sau, có người chuyển sang quân đội. Những đóng góp của thày và trò trường Đại học Nông nghiệp III đối với cuộc kháng chiến của cả dân tộc đã góp phần làm giàu thêm truyền thống vẻ vang của Nhà trường trong quá trình xây dựng và phát triển.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Đây là thắng lợi mang tính quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau gần một năm ở nơi sơ tán, thày và trò được trở về Trường. Tuy còn rất vất vả để khắc phục hậu quả chiến tranh, song từ đây hoạt động dạy và học được ổn định trở lại. Trong thời gian này, với 6 khóa đào tạo, Nhà trường đã có số lượng sinh viên ngành Trồng trọt và Chăn nuôi là 858 sinh viên và đã có 97 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên (K1) vào tháng 4/1975, trong đó ngành Trồng trọt 57 sinh viên và ngành Chăn nuôi thú y có 42 sinh viên. Ngày sinh viên khóa 1 báo cáo đề tài tốt nghiệp (30/4/1975), thày và trò cùng nghe tin thắng trận của chiến dịch Hồ Chí Minh qua loa truyền thanh của Nhà trường.

Với những kết quả đào tạo đạt được ở năm học đầu tiên, Nhà trường đã vinh dự đón đồng chí Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lên dự lễ tốt nghiệp và trao phần thưởng tuyên dương cho hai sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khóa đầu tiên.

Nhìn chung, 1970 - 1975 là giai đoạn xây dựng đầu tiên của Nhà trường trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vượt qua những gian khó, thày và trò đã gắn bó, cùng nhau xây dựng những điều kiện cơ bản ban đầu về đội ngũ, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học. Trong năm năm đầu, Nhà trường đã đào tạo nên đội ngũ cán bộ, kỹ sư có trình độ cao, nhiều người trong số đó hiện nay trở thành những cựu sinh viên thành đạt tiêu biểu, đã và đang ở những vị trí quan trọng, có nhiều đóng góp vào sự lớn mạnh của Nhà trường, của nhiều địa phương cũng như sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là khoảng thời gian để lại những kỷ niệm sâu sắc trong ký ức nhiều lớp cán bộ, sinh viên về tình cảm thày, trò đã cùng nhau gắn bó dưới mái trường Đại học Nông nghiệp III.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN