Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

Trường Đại học Nông Lâm giai đoạn 1994 - 2015: Phát triển nhanh các ngành và các bậc đào tạo, bước đầu hội nhập quốc tế, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

01/06/2021 23:53 - Xem: 1874
Trường Đại học Nông Lâm giai đoạn 1994 - 2015: Phát triển nhanh các ngành và các bậc đào tạo, bước đầu hội nhập quốc tế, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đã xác định cần phải công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994) tiếp tục khẳng định “công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước xung quanh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ được độc lập chủ quyền và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa”. Để làm được điều đó, Đảng đồng thời nhấn mạnh “muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục đào tạo, phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”.

Xuất phát từ yêu cầu mới về nguồn nhân lực có chất lượng cao để tực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 04/4/1994 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên trên cơ sở sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Sự ra đời của Đại học Thái Nguyên nằm trong xu thế hình thành các Đại học Quốc gia và Đại học Vùng trên cả nước. Đây là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khai thác và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên để xây dựng Đại học Thái Nguyên thành một Đại học Vùng đủ mạnh ở khu vực miền núi phía Bắc, có khả năng giải quyết các vẫn đề về nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với quyết định này, trường Đại học Nông nghiệp III trở thành thành viên của Đại học Thái Nguyên với tên gọi mới: trường Đại học Nông Lâm, tên thường gọi là trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Từ khi trở thành một cơ sở giáo dục thành viên của Đại học Thái Nguyên đến nay, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, luôn chủ động, sáng tạo và phát huy truyền thống của một đơn vị có uy tín về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khẳng định vị thế của Nhà trường, đóng góp vào sự phát triển của Đại học Thái Nguyên.

Những hoạt động nổi bật

Các kỳ Đại hội Đảng bộ Trường và các đề án hoạt động trọng tâm

Từ năm 1994 đến 2015, Đảng bộ trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã tổ chức được bảy kỳ Đại hội Đảng bộ. Trải qua các kỳ Đại hội, với việc đổi mới phương thức lãnh đạo, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với các hoạt động của Nhà trường ngày càng được tăng cường chặt chẽ. Đảng bộ Trường đã cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên bằng những chủ trương lớn, có trọng điểm và mang tính toàn diện.

Từ 2012, để lãnh đạo trực tiếp và toàn diện mọi mặt công tác, Đảng bộ Trường đã xây dựng và ban hành các đề án trọng tâm giai đoạn 2012 - 2015 gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và cảnh quan; Phát triển hợp tác quốc tế trong thời kỳ hội nhập; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Quảng bá và phát triển thương hiệu trường Đại học Nông Lâm; Tăng cường công tác quản lý sinh viên và an ninh trật tự; Cải thiện đời sống cán bộ viên chức giai đoạn 2012 - 2015.

Ngày 22/10/2012, Đảng bộ Trường xây dựng và ban hành thêm đề án về Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức đoàn thế và tổ chức chính trị - xã hội trường Đại học Nông Lâm giai đoạn 2012 - 2015 và đề án Nâng cao sức chiến đấu, xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Đảng ủy đã phân công các Đảng ủy viên trực tiếp phụ trách từng đề án, thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Tại Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XIV (4/2015), Đảng bộ đã thông qua 10 đề án trọng tâm giai đoạn 2015 - 2020: Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; Xây dựng bộ máy và phát triển đội ngũ; Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào 

 tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; Xây dựng bộ máy và phát triển đội ngũ; Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đào tạo và NCKH; Đổi mới công tác học sinh sinh viên; Phát triển hợp tác quốc tế trong thời kỳ hội nhập; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Kết nối đào tạo và nhà tuyển dụng lao động; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức đoàn thể. 10 đề án đã bao quát toàn bộ các mặt hoạt động của Nhà trường, và thể hiện quyết tâm của Đảng ủy trong việc nâng cao chất lượng toàn diện mọi mặt công tác. Các đề án cũng đã được xây dựng, triển khai dưới sự chủ trì, phụ trách trực tiếp của các thành viên Ban Thường vụ và các Đảng ủy viên.

Với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các hoạt động của Nhà trường đã có nhiều đổi mới hơn so với giai đoạn trước và tạo ra sự chuyển biến tích cực về mọi mặt.

Xây dựng tổ chức bộ máy Nhà trường

Ngày 23/10/1997, Giám đốc Đại học Thái Nguyên ký Quyết định số 152/QĐ-TCCB về việc tổ chức và sắp xếp lại trường Đại học Nông Lâm. Sự điều chỉnh, sắp xếp này nhằm tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên. Tuy nhiên, sau một thời gian sự điều chỉnh này đã bộc lộ những điểm không phù hợp, làm xuất hiện một số khó khăn không chỉ với trường Đại học Nông Lâm mà với cả các đơn vị thành viên khác: thủ tục hành chính còn khá nặng nề, sự phân cấp cho các Trường còn ít đã làm cho hoạt động của các Trường triển khai chậm, hạn chế tính năng động, tự chủ của các Trường thành viên, chưa khai thác được các nguồn lực của Nhà trường. Chính vì vậy, từ năm 2006, trường Đại học Nông Lâm từng bước điều chỉnh lại các phòng chức năng, xây dựng bộ máy tổ chức như một trường đại học độc lập. Hiện nay, Trường có 8 phòng với chức năng tham mưu và phục vụ công tác đào tạo.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên được xác định là khâu then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của Nhà trường.

Từ năm 1994 đến năm 2000: Nhà trường thực hiện chủ trương "ba hóa" trong đội ngũ giảng viên, đó là: Cao học hóa, Tin học hóa và Anh văn hóa với chỉ tiêu đề ra là “đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ lên 80% số giảng viên trong biên chế, các giảng viên biết sử dụng máy tính ở trình độ A và có trình độ ngoại ngữ B”.

Từ năm 2001 đến năm 2010: Việc nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên được đặt ra với mục tiêu cao hơn so với giai đoạn trước là đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ lên 90% số giảng viên trong biên chế. Để thực hiện chủ trương và kế hoạch trên, Trường đã đề ra các biện pháp cụ thể gồm:

• Đối với đào tạo thạc sĩ:

- Tiến hành tiêu chuẩn hóa của đội ngũ giảng viên về trình độ chuyên môn. Các giảng viên giảng dạy phải có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên.

- Ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ: Hỗ trợ tiền đi lại, mua và in ấn tài liệu cho giảng viên tham gia học cao học.

- Nhà trường mở đào tạo bậc thạc sĩ với ngành Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y, Lâm nghiệp để tạo mọi điều kiện cho giảng viên được học tập tại chỗ.

- Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, tranh thủ mọi nguồn lực của các cá nhân, tổ chức nước ngoài để gửi cán bộ, giảng viên đi học tập.

Về mặt tổ chức, Nhà trường đã thành lập khoa Sau đại học (theo Quyết định số 2136/BGDĐT-SĐH, ngày 28/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm cơ quan chuyên trách tham mưu và quản lý chương trình đào tạo sau đại học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

• Đối với đào tạo tiến sĩ:

- Xây dựng “Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao”.

- Rà soát số giảng viên trong độ tuổi đã có trình độ thạc sĩ (dưới 45 tuổi với nữ, dưới 50 tuổi với nam), phân chỉ tiêu làm nghiên cứu sinh (NCS) hàng năm cho các đơn vị trong Trường.

- Mở bậc đào tạo tiến sĩ cho các ngành mà Trường có đủ năng lực và điều kiện để giảng viên có thể làm NCS tại Trường.

- Đưa chỉ tiêu đi làm NCS và số NCS bảo vệ luận án đúng hạn vào chỉ tiêu thi đua của các đơn vị.

- Ưu tiên các đề tài cấp Bộ cho NCS là giảng viên của Trường.

- Trợ giúp cho mỗi NCS là giảng viên của Trường bảo vệ luận án tiến sĩ đúng hạn là 19 triệu đồng (đối với nam), 20 triệu đồng (đối với nữ).

- Cấp xe ô tô cho NCS là giảng viên của Trường đi bảo vệ luận án tiến sĩ.

- Huy động mọi nguồn lực về tài chính, lao động, cơ sở vật chất trong và ngoài trường để phục vụ cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

• Đối với bồi dưỡng ứng viên GS, PGS

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng những tiêu chuẩn còn thiếu của ứng viên GS, PGS như: chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn NCS, đăng các bài báo khoa học.

- Mở lớp đại học tiếng Anh văn bằng 2 cho các tiến sĩ học tại Trường.

- Trợ giúp cho các tiến sĩ làm hồ sơ ứng viên GS, PGS từ 3 - 4 triệu đồng/người.

Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, Nhà trường đã rất chú trọng và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục, như:

- Mở các lớp đào tạo tin học miễn phí cho cán bộ và giảng viên của Trường tham gia, sau khóa học tiến hành kiểm tra trình độ học viên, hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi học viên đạt yêu cầu để trang bị máy vi tính.

- Mở các lớp ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp) do chuyên gia nước ngoài giảng dạy cho cán bộ, giảng viên của Trường.

- Mở lớp Cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ quản lý chủ chốt tham gia học tại Trường.

- Cử cán bộ quản lý tham gia lớp đào tạo cán bộ quản lý giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo giảng dạy tại Trường.

- Tăng cường đưa cán bộ, giảng viên đi học tập, tập huấn tại nước ngoài nhằm cập nhật các kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học.

Ngày 24/6/2003, Trường ra Quyết định số 28/QĐ-TCCB về việc bổ sung quy định tuyển chọn giảng viên trẻ nhằm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên của Nhà trường. Theo quy định, cán bộ hợp đồng thuộc diện bồi dưỡng giảng viên trẻ phải đi thực tế tại cơ sở sản xuất ít nhất một năm, có sự giám sát của khoa chuyên môn và bộ phận tổ chức cán bộ, có nhận xét của cơ sở thực tế.

Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong những đề án trọng tâm mà Đảng ủy Trường xây dựng và chỉ đạo thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ gần đây. Thông qua đề án, công tác tổ chức cán bộ thường xuyên được rà soát, đánh giá. 

Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã có định hướng chiến lược rõ nét trong việc từng bước, chắc chắn nhưng quyết liệt để “tiến sĩ hóa” theo chuẩn quốc tế đội ngũ cán bộ, giảng viên và “quốc tế hóa” trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Đó là những hoạt động đặt biệt chú trọng tới đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên. Hàng năm, Trường giao cho Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Liên kết đào tạo quốc tế tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh cho giáo viên tại Trường và gửi sang Philippines đào tạo trong thời gian 6 tháng. Nhiều giảng viên của Trường tiếp cận được các nguồn học bổng. Số lượng cán bộ giáo viên khai thác được học bổng nước ngoài từ 15 - 20 người/năm, hiện tại có gần 80 giảng viên đang được đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài bằng nguồn học bổng trong và ngoài nước. Đảng ủy đã đưa ra chủ trương ưu tiên tuyển dụng cán bộ giảng dạy trẻ được đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ từ các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. Trường Đại học Nông Lâm luôn dẫn đầu trong các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên về số lượng giảng viên tiếp cận được các nguồn học bổng làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài là minh chứng rõ nét nhất cho tính hiệu quả của chính sách đào tạo cán bộ từ các giai đoạn trước. Các chủ trương và định hướng khai thác hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ giai đoạn này đã giúp đội ngũ giảng viên của Trường đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, tiếp cận được các học bổng từ nhiều nguồn (học bổng của Nhà nước, của Chính phủ các nước...), điều mà các trường thành viên khác chưa làm được ở thời điểm đó.

Quyết tâm “quốc tế hóa” Nhà trường được thể hiện rõ nhất trong quyết định áp dụng chuẩn ngoại ngữ đối với việc tuyển dụng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ viên chức của Nhà trường từ năm 2014. Từ năm 2015, Nhà trường tiến hành áp dụng chuẩn ngoại ngữ IELTS đối với cán bộ thi tuyển công chức, những quy định chặt chẽ về trình độ chuyên môn và tiêu chuẩn ngoại ngữ với cán bộ tuyển dụng mới, áp dụng chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên hệ đào tạo chính quy khi tốt nghiệp.

Đến nay, trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường có sự phát triển vượt bậc, đưa Nhà trường sánh ngang với các trường đại học hàng đầu trong cả nước. Tổng số cán bộ, viên chức của Nhà trường năm 2015 là 533 trong đó cán bộ giảng dạy cơ hữu là 307 và 16 cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm, thỉnh giảng từ Đại học Thái Nguyên, trong đó 07 GS.TS, 27 PGS.TS, 80 TS, 02 Nhà giáo nhân dân, 16 Nhà giáo ưu tú. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có chức danh từ tiến sĩ trở lên đạt 35,29%. 

Mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới hình thức, chương trình, phương pháp giảng dạy:

Trong hơn 20 năm kể từ khi trở thành thành viên của Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Nông Lâm đã có sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô và chất lượng công tác đào tạo.

Ngày 02/12/1998, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4849/BGDĐT - SĐH, cho phép trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được phép đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Trồng trọt và ngành Chăn nuôi, đánh dấu một bước tiến mới trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao của Nhà trường. Đây thực sự là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến về chất, đưa trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trở thành trường đại học đi đầu trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành nông, lâm nghiệp khu vực trung du miền núi phía Bắc. Từ chỗ lúc đầu chỉ có ở 2 ngành, đến nay đào tạo tiến sĩ của Trường đã phát triển lên 7 ngành. Trong thời gian từ 1998 - 2015 đã tuyển sinh được 135 NCS, trong đó 55 người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường (trong đó ngành Khoa học cây trồng: 30; ngành chăn nuôi: 13; ngành Thú y: 7; ngành lâm nghiệp: 05.

Các ngành đào tạo ở bậc đại học tiếp tục được mở rộng. Đồng thời trong giai đoạn này, Nhà trường đã mở mới các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Số lượng học viên cao học ngày càng tăng, năm 1994 mới chỉ có 36 học viên cả khóa, nhưng đến năm 2010 - 2015 số học viên bình quân hàng năm là 350, trong đó năm 2013 đạt tới 457 học viên. Trong thời gian từ 1993 - 2014,  Nhà trường đã đào tạo và cấp bằng thạc sĩ cho 1377 học viên (trong đó ngành Khoa học cây trồng: 462; ngành Phát triển nông thôn: 49; ngành Khoa học môi trường: 141; ngành Quản lý đất đai: 343; ngành Lâm nghiệp: 185; ngành Chăn nuôi: 241; ngành Thú y: 108 và ngành Kinh tế nông nghiệp: 48.

Song song với mở ngành, các khoa mới cũng được thành lập hoặc cơ cấu lại để quản lý đào tạo các ngành học.

Với sự thành lập mới của các khoa, cho đến nay Trường có 8 khoa, trong đó 07 khoa chuyên môn và khoa Khoa học cơ bản, 08 Trung tâm và 02 Viện nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cùng với thành lập các khoa, các bộ môn, ngành đào tạo cũng được mở thêm ở cả bậc đào tạo đại học, cao học và NCS. Hiện nay, Trường đang tuyển sinh và đào tạo 24 ngành/chuyên ngành hệ đại học, 9 ngành trình độ thạc sĩ và 7 ngành trình độ tiến sĩ.

Trong những năm 1998 - 2000, Nhà trường đã có chủ trương huy động những giảng viên giỏi chuyên môn để đầu tư xây dựng các mô hình phục vụ đào tạo tại Trại thực tập và đã hình thành được các mô hình “Chuồng lợn thày Phùng”, “Trại gà thày Vân Mỵ”, “Trại cây ăn quả thày Vân”... Ngày 28/3/2005 Trường có Quyết định số 128/QĐ-TCCB đổi tên Trại thực tập thành Trung tâm thực hành thực nghiệm với nhiều chức năng hơn.

Quy mô tuyển sinh của Trường tăng mạnh so với các giai đoạn trước đó. Nếu như giai đoạn 2000 - 2005 quy mô sinh viên là khoảng 7.000 - 8.000 sinh viên, thì đến nay quy mô đào tạo khoảng 12.000 - 13.000 sinh viên, mỗi năm Trường tuyển mới khoảng 3.000 sinh viên/năm.

Năm học 2008-2009 (từ khóa 40) Trường bắt đầu đào tạo theo học chế tín chỉ khóa đầu tiên. Ngay sau đó Nhà trường đã ban hành toàn bộ 24 chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Các chương trình đào tạo được xây dựng theo phương châm cập nhật các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và thiết kế thành các modun kiến thức mềm dẻo, có khả năng liên thông dọc và liên thông ngang, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo kỹ sư của các trường khối ngành nông lâm ngư trong cả nước.

Năm 2008, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là 1 trong 10 trường đại học ở Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện nhập khẩu chương trình tiên tiến. Ngành Khoa học và Quản lý môi trường đã được nhập khẩu từ trường đại học UC DAVIS (Hoa Kỳ). Đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh được 6 khóa. Từ năm 2012 Nhà trường tiếp tục xây dựng 5 chương trình đào tạo chất lượng cao.

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là một trong số ít các trường đi đầu trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Năm 2009, Trường là 1 trong 20 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tổ chức đánh giá ngoài. Kết quả, Trường xếp thứ 3 cả nước (sau trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh).

Đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường để phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Nhà trường đã mời nhiều chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm đến trường để trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tiên tiến, tổ chức nhiều buổi hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy cho toàn thể giảng viên, ra các văn bản quy định bắt buộc các giảng viên từng bước áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Đồng thời, Nhà trường đã đầu tư và lắp đặt ở tất cả các giảng đường thiết bị phục vụ giảng dạy như mạng Wifi, máy chiếu Projector, hệ thống âm thanh... Cuộc thi “Đổi mới phương pháp giảng dạy” đối với giảng viên trẻ được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, đã tổ chức được 2 lần vào năm 2011 và năm 2013. Thành công trong thay đổi phương pháp dạy và học của giảng viên và sinh viên đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Nhà trường thường xuyên ban hành các quy định về rà soát chương trình, bài giảng, giáo trình vào đầu năm học mới. Hệ thống tra cứu điện tử, thư viện của trường có 5.232 đầu sách chuyên ngành, 47.804 quyển giáo trình và hàng vạn cuốn tạp chí chuyên ngành, sách, báo phục vụ đào tạo và giải trí cho sinh viên bậc đại học và sau đại học và giảng viên. Nhiều chương trình và giáo trình của trường được đánh giá cao trong khối ngành nông lâm nghiệp, được dùng làm giáo trình chính thống trong giảng dạy, học tập tại các trường thuộc khối ngành nông lâm ngư trong cả nước.

Trong 20 năm qua (1994 - 2015) Nhà trường đã tuyển sinh, đào tạo 20.758 sinh viên hệ chính quy và liên kết đào tạo 2.856 sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho khu vực và cả nước, góp phần to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nhập quốc tế:

Trong những năm 1994 - 2005, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tiếp tục thu hút được nhiều các dự án quốc tế, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Bắt đầu từ những năm 2005, Nhà trường đã từng bước chuyển từ giai đoạn hợp tác quốc tế theo hướng khai thác các nguồn tài trợ không hoàn lại của các nước, các tổ chức phi Chính phủ và các trường đại học trên thế giới sang giai đoạn cùng hợp tác, cùng 

phát triển. Nhà trường đã chủ động tạo dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng đôi bên cùng có lợi. Dựa trên triết lý này, nhiều đề tài hợp tác theo nghị định thư và nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa Nhà trường với các trường đại học trên thế giới đã được triển khai, mang lại nguồn thu lớn cho Nhà trường, nâng cao một bước công tác nghiên cứu khoa học và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Nhiều đề tài nghiên cứu, dự án hợp tác song phương giữa Nhà trường với các đối tác nước ngoài đã được triển khai. Đề tài nghiên cứu theo nghị định thư đầu tiên được xây dựng năm 2005 với trường đại học Nam Kinh (Trung Quốc) giúp các nhà khoa học của Trường tiếp cận với việc nghiên cứu và chọn tạo giống lúa. Tiếp đó là thành công trong hợp tác với Đại học Ryukyu (Nhật Bản) về nghiên cứu sản xuất keo dán gỗ, hợp tác với Đại học Kyushu (Nhật Bản) trong nghiên cứu chọn tạo giống cam quýt không hạt, cao lương ngọt phục vụ nhiên liệu sinh học, giống lúa chịu lạnh...; hợp tác với Đại học Đông Á (Hàn Quốc) trong nghiên cứu chuyển gen kháng sâu bệnh ở cây đậu tương; hợp tác với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) trong nghiên cứu về bệnh greening hại cam; hợp tác với Đại học California Davis (Hoa Kỳ) trong nghiên cứu về sử dụng ảnh kỹ thuật số giải đoán tình trạng dinh dưỡng của cây trồng và khuyến cáo phân bón.

Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm tới hợp tác với một số tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam để xây dựng và triển khai một số dự án với tài trợ của nước ngoài, điển hình như: Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng” hợp tác với CSIRO (Úc); dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu” hợp tác với tổ chức CARE; dự án “Phát triển thị trường bò thịt” hợp tác với ACIAR (Úc)...

Giai đoạn 2006 - 2011, Nhà trường đã mở ra các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế. Sau 5 năm hoạt động, đã triển khai được 38 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín ở khu vực và thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippine... đem lại nguồn thu trên 400.000USD/năm. Tính đến năm 2012, số học viên trong các chương trình liên kết là 1.578 người, trong đó có 96 NCS, 901 học viên cao học, 281 sinh viên đại học và 300 sinh viên chương trình ngắn hạn tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Chương trình đào tạo tiên tiến ngành Khoa học và Quản lý môi trường là chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đầu tiên trong lịch sử của Nhà trường, đã và đang được triển khai có hiệu quả. Đây là chương trình hợp tác đào tạo với đại học California Davis (Hoa Kỳ), do trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cấp bằng, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình đã bước đầu khẳng định uy tín khi được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá và xếp trong nhóm 10 ngành đào tạo tiên tiến tốt nhất Việt Nam. Đến 

năm 2015, chương trình đã thu hút được 63 sinh viên quốc tế đến học tập (chiếm hơn 25%) với sinh viên Việt Nam.

Một hướng đi mới đáng ghi nhận nhất của Trường gần đây là đẩy mạnh đưa sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường đi thực tập nghề nghiệp và làm việc ở nước ngoài, từng bước khẳng định chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Mở rộng địa bàn thực tập nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên sang các nước như Israel, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Số lượng sinh viên được cử đi thực tập nghề nghiệp và làm việc tại các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến tăng nhanh. Đặc biệt từ năm 2014 - 2015, Trường xây dựng và triển khai bước đầu thành công chương trình thực tập nghề ở các nước tiên tiến.

Hiện nay Trường có quan hệ hợp tác với 40 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trên thế giới, tiếp nhận và triển khai 21 dự án hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí trên 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế vẫn luôn là thế mạnh của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Thành công trong hợp tác quốc tế không chỉ góp phần nâng cao năng lực và vị thế của Nhà trường, cải thiện đời sống của cán bộ viên chức mà còn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Kết quả này đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá cao, thể hiện qua Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 1998, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 1994, 2000, 2005, 2010, 2012, 2014.

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ đào tạo:

Với quyết tâm xây dựng Nhà trường thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của vùng và đất nước, những năm qua cơ sở vật chất của Nhà trường đã được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, sánh ngang bằng với một số trường đại học lớn trong khu vực và thế giới.

Từ 1994 đến 2010, nhiều công trình được xây dựng đã góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt, cơ sở của Trường ngày càng khang trang hơn: hai nhà 2 tầng khu Hiệu bộ giải quyết nơi làm việc cho khối văn phòng; khu ký túc xá nữ, ký túc xá B (cấp 4) giải quyết chỗ ở cho sinh viên; hai nhà 2 tầng (ở khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn và Trung tâm tin học hiện nay) làm trụ sở cho các khoa; đường trải nhựa trong nội bộ 

Trường đến cầu Làng Đanh, xây dựng đường có mái che từ giảng đường A đến cuối ký túc xá B; hoàn thành xây dựng cổng trường, cổng hiệu bộ...

Trang thiết bị thí nghiệm cũng được đầu tư mới, phục vụ cho học tập và nghiên cứu khoa học. Nếu như trước đây do thiết bị còn hạn chế nên các đề tài nghiên cứu của thày và trò thường theo hướng điều tra, thì nay với thiết bị máy móc hiện đại, thày và trò, đặc biệt là NCS và học viên cao học đã thực hiện được các đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Năm 2012, Viện Khoa học sự sống được giao về cho trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên quản lý, là điều kiện rất thuận lợi để cán bộ, học viên, sinh viên Nhà trường tiến hành các nghiên cứu, thực hiện các đề tài.

Từ 2010 đến nay, nhiều hạng mục công trình với nhiều nguồn vốn khác nhau đã được hoàn thành phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường, điển hình như: Đầu tư cho Viện Khoa học sự sống (với tổng số vốn hơn 80 tỷ đồng); Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thủy sản (40 tỷ đồng); Trung tâm nghiên cứu giống cây lâm nghiệp (50 tỷ đồng). Thành tích đáng ghi nhận nhất về xây dựng cơ sở vật chất của Trường thời gian gần đây là: cùng tỉnh Thái Nguyên hoàn thành dự án nâng cấp đường đê Mỏ Bạch vào Trường (60 tỷ); xây dựng và triển khai với tiến độ nhanh dự án “Nhà điều hành mới” (54 tỷ), dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2017 và Khu nghiên cứu giống cây trồng - vật nuôi công nghệ cao (50 tỷ) đã khởi công ngày 20/10/2015. Các công trình này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các Bộ, Ngành, Trung ương, trong đó có vai trò lớn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - cựu sinh viên khóa 2 của Nhà trường.

Nhận thức đất đai là nguồn tư liệu quý, đặc biệt là đối với trường đại học về nông, lâm nghiệp, Nhà trường đã xúc tiến xin 139,78 ha đất tại huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang để xây dựng Trạm Nghiên cứu lâm nghiệp (năm 2009) và 19,09 ha tại Phia Đén thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng làm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam (năm 2010).

Nhiều công trình sử dụng vốn sự nghiệp của Trường đã đưa vào sử dụng như: nâng cấp đoạn đường từ Trung tâm Thủy sản vào Trung tâm Giáo dục quốc phòng và từ trạm bơm vào khu cây trồng cạn; xây dựng trạm nghiên cứu Sơn Dương; xây dựng trại chăn nuôi gia cầm phục vụ thực hành, thực tập, mô hình cây trồng (chè, cây ăn quả, rau hoa...) cho rèn nghề.

Nhà trường đã có chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển mới nhiều cảnh quan đẹp trong Trường như “Khuôn viên đào tạo sau đại học”, khu Ban Giám hiệu, công trình kỷ niệm của cựu sinh viên khóa 2, “Vườn Bách xanh” của cựu sinh viên khóa 3, “Vườn cây Chò” của cựu sinh viên khóa 4, công trình kỷ niệm của cựu sinh viên khóa 5, “Vườn cây Giổi” của cựu sinh viên khóa 6, “Rừng Tùng” của cựu sinh viên khóa 7, “Đường Hoàng yến” của cựu sinh viên khóa 8, “Đồi Cọ” của cựu sinh viên khóa 9, “Vườn Lộc vừng” của cựu sinh viên khóa 10, “Đường Thu phong” của cựu sinh viên khóa 13, công trình kỷ niệm của cựu sinh viên khóa 14, “Biển hiệu Ao cá Bác Hồ” của cựu sinh viên khóa 15…

Công tác phát triển hạ tầng thông tin và thư viện cũng rất được quan tâm. Hiện nay Trường có 04 phòng máy, 250 máy tính, 06 phần mềm công nghệ thông tin chuyên dùng cho quản lý, 7.324 đầu sách, giáo trình, tài liệu học tập với 81.476 bản và 3.959 file tài liệu điện tử, trong đó có 418 file giáo trình điện tử. Hệ thống giảng đường, phòng học được đầu tư sửa chữa và xây mới khang trang, đáp ứng được nhu cầu học tập, giảng dạy gồm bốn khu với 68 phòng học, tổng diện tích là 9488,4 m2; 46 phòng thí nghiệm với diện tích trên 2.000 m2; một trung tâm thực hành, thực nghiệm diện tích trên 400.000 m2; một trung tâm nghiên cứu, thực tập nghề thủy sản diện tích 350.000 m2; một nhà lưới thí nghiệm diện tích 1.500 m2; một thư viện điện tử diện tích 1.600 m2. Các phòng thí nghiệm được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ để phục vụ tốt yêu cầu học tập, thực hành và nghiên cứu. Tổng giá trị thiết bị, máy móc lên tới gần 50 tỷ đồng.

Nhà trường có 03 khu ký túc xá cho sinh viên với tổng diện tích 5.356 m2 đảm bảo cho 2.800 sinh viên chính quy có chỗ ở (khoảng 50%), đạt tỷ lệ cao nhất trong các trường đại học công lập của cả nước.

Ngoài ra, Trường có một nhà đa năng để phục vụ sinh hoạt chung với tổng diện tích là 6.000 m2, một sân vận động trung tâm 8.000 m2. Các công trình phục vụ sinh hoạt, đời sống cho học sinh, sinh viên đã được xây dựng: một nhà ăn 2000 chỗ với tổng diện tích 1.7364 m2, bốn sân bóng đá cỏ nhân tạo, bốn sân tenis phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giảng viên trong trường.

Nhờ có sự đầu tư tập trung trên, điều kiện giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên được nâng cao, tăng cường năng lực nghiên cứu, giúp cho trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đạt nhiều thành tựu to lớn trong hoạt động khoa học công nghệ. 

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và trồng cây lưu niệm tại Trường năm 2002

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới:

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là đơn vị tiêu biểu, dẫn đầu các trường thành viên Đại học Thái Nguyên cũng như các trường khối nông lâm ngư khu vực trung du và miền núi phía Bắc trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Mục tiêu nghiên cứu của Nhà trường là huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển đội ngũ, tạo ra những sản phẩm khoa học học công nghệ phục vụ phát triển nông lâm nghiệp ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao và bền vững; đồng thời hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao uy tín và thương hiệu của Nhà trường. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều. 

Nhiều sản phẩm nghiên cứu mang thương hiệu của Nhà trường đã và đang được áp dụng trong sản xuất trên cả nước. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ, năm 2010 Nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty dầu khí Việt Nam để chuyển giao công nghệ trồng một số giống sắn có năng suất cao phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân 17 tỉnh khu vực trung du miền núi.

Các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên trong Nhà trường được tuyển chọn tham gia các cuộc thi đều đạt được thành tích cao. Nhiều sản phẩm khoa học của Nhà trường tham gia Hội chợ triển lãm của tỉnh hoặc khu vực và đã được ứng dụng vào sản xuất. Trường đã tổ chức được trên 40 hội nghị, hội thảo, seminar trong nước và quốc tế. Nhiều chương trình nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ được triển khai. Đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường tham gia lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ nông hoá thổ nhưỡng từ cấp tỉnh, huyện, xã của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, làm cơ sở khoa học cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phân công lại lao động và dân cư trên địa bàn, cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thông qua những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ với các tỉnh, vai trò của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã được khẳng định.

Điều đáng chú ý là hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ của Nhà trường đang từng bước được xã hội hóa, nguồn kinh phí đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước ngày một tăng. Trong những năm gần đây, Trường đã thu nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trung bình đạt 10 tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách của sản xuất, đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Công tác nghiên cứu khoa học của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã vươn tới hội nhập quốc tế. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế giữa Trường với các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước trên thế giới được ký kết. Từ năm 2009 đến nay, Trường đã tiến hành triển khai 7 đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư với Chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, trường đại học nước ngoài với tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu là 750.000 USD. Các nghiên cứu đã tập trung vào những vấn đề lớn của vùng và cả nước, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản về khoa học của vùng.

Công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên đạt nhiều thành tích xuất sắc. Trường đã giành được 32 giải thưởng VIFOTEC, trong đó đã có giải nhất, nhì, ba, nhận được nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong các năm 2009, 2010, 2012 và 2014. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Thông qua đó giúp cho sinh viên nắm vững phương pháp nghiên cứu ngay từ khi đang học tập, sau khi tốt nghiệp sẽ vững vàng hơn trong thực tế sản xuất.

Trong giai đoạn này, nhiều nhà khoa học của Trường đã được vinh danh, nhận các giải thưởng cao quý: năm 2014, GS.TS. Nguyễn Thị Kim Lan là cá nhân duy nhất của cả nước được trao giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng thường niên vinh danh các nhà khoa học nữ; TS. Trần Thị Phả đạt giải nhất trong cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2014; Năm 2015, TS. Phạm Bằng Phương được vinh danh là một trong 70 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất Việt Nam... Những điển hình đó góp phần khẳng định thương hiệu của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong khối các trường đại học về nông, lâm nghiệp của cả nước.

Hoạt động của các tổ chức đoàn thể:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, trong hơn 20 năm qua các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Trường đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình.

Trong các năm học, tổ chức Công đoàn trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thường xuyên và liên tục phát động nhiều phong trào thi đua: “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Hai giỏi”, “Xây dựng cơ quan văn hóa”... thu hút đông đảo công đoàn viên hưởng ứng tham gia, góp phần động viên cán bộ viên chức toàn trường thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những thành tích đạt được, tập thể nữ nhà giáo trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam năm 2012”, tập thể nữ cán bộ viên chức Trường được nhận giải thưởng “Tập thể nữ tiêu biểu toàn quốc năm 2014”. Công đoàn đã kịp thời giải quyết về chế độ chính sách đối với cán bộ viên chức, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo đời sống cán bộ công đoàn viên. Trong 5 năm gần đây, Công đoàn Trường 

đã đẩy mạnh việc chủ trì tổ chức các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa với số kinh phí ủng hộ là 875 triệu đồng.

Từ ngày 15/10/1995 đến nay, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Đại học Nông Lâm là tổ chức cơ sở Đoàn thuộc Đoàn Đại học Thái Nguyên. Tổ chức Đoàn đã thực sự lớn mạnh, là tổ chức tập hợp, rèn luyện đoàn viên thanh niên trong toàn Trường. Hàng năm, Đoàn thanh niên bồi dưỡng, giới thiệu những đoàn viên ưu tú để tham gia học các lớp nhận thức về Đảng, phát triển Đảng. Các phong trào, hội thi, câu lạc bộ do Đoàn phát động và thành lập đã thu hút ngày càng đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, tạo nên môi trường lành mạnh, không khí sôi nổi, tiêu biểu như: cùng Đoàn Đại học Thái Nguyên tham gia chương trình SV 96 và SV 2000 do VTV3 tổ chức và đã tạo được dấu ấn tốt đẹp với giải thưởng tiết mục tài năng xuất sắc nhất trong chương trình SV96. Năm 1997 thành lập Đội “Tuyên truyền ca khúc cách mạng trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên”. Đội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền các ca khúc cách mạng đến toàn thể đoàn viên, thanh niên trong và ngoài trường (dạy hát cho các chi đoàn hàng tuần), hát các ca khúc cách mạng nhân dịp các sinh hoạt chính trị của Nhà trường, trong đó có việc hát Quốc ca trong chào cờ. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của Đoàn Đại học Thái Nguyên, được Tỉnh đoàn tặng bằng khen. Nhiều thành viên của đội đã trưởng thành và hiện đang giữ các vị trí chủ chốt ở các địa phương

Trong những năm gần đây, tổ chức Đoàn Thanh niên của Trường tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thi đua, các phong trào tình nguyện, mô hình câu lạc bộ theo hướng đa dạng, phong phú về hình thức, thiết thực về nội dung, gắn với chuyên ngành đào tạo, nhằm rèn luyện trí tuệ, tình cảm và bản lĩnh cho các đoàn viên.

Cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Trường đã và đang có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, thu hút sự tham gia của sinh viên toàn trường. Các phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, phong trào văn nghệ, thể thao, tình nguyện, từ thiện, nhân đạo... được tổ chức thường xuyên, góp phần trang bị cho sinh viên không chỉ về kiến thức chuyên môn mà cả về những kỹ năng cần thiết cũng như vốn hiểu biết xã hội phong phú, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trong sinh viên, xây dựng hình ảnh sinh viên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên văn minh, thanh lịch.

Cũng trong giai đoạn này, tổ chức “Cựu chiến binh” của Nhà trường chính thức được thành lập (theo Quyết định số 01/QĐ-CCB ngày 20/12/2010 của Chủ tịch hội Cựu chiến binh Đại học Thái Nguyên). Hội hiện có 39 hội viên, là những người đã 

tham gia quân ngũ trong những năm dài bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, trong đó có 04 PGS, 10 tiến sĩ. Các hội viên là những hạt nhân tích cực trong mọi hoạt động của Nhà trường.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể với chính quyền Nhà trường đã tạo nên hệ thống chính trị vững mạnh, là cơ sở để Nhà trường hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong suốt thời gian qua.

Với những thành tích xuất sắc về nhiều mặt, từ năm 1994 đến nay trường Đại học Nông Lâm đã nhận được những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho tập thể Trường và các cá nhân. Năm 1995, Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Ngày 24/8/2000, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Khánh Quắc - Hiệu trưởng Nhà trường đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước phong tặng, đánh dấu trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trở thành trường đại học đầu tiên của cả nước có Hiệu trưởng được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Khánh Quắc - Hiệu trưởng Nhà trường cùng
Đ/c Nguyễn Thị Nương -Trưởng ban Đại biểu Quốc hội, cựu sv K5 (ngoài cùng bên phải),

Đ/c Nông Hồng Thái - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, cựu GV Khoa Trồng trọt,
tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000

Năm 2005, Nhà trường được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Ngày 07/01/2013, Chủ tịch nước ký Quyết định số 26/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Nhà trường. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu bề dày thành tích xuất sắc mà Nhà trường có được sau 43 năm xây dựng và phát triển. Năm 2015 Nhà trường tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần 2).

Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2013 

Những danh hiệu cao quý của các cá nhân và tập thể Nhà trường nhận được chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những nỗ lực không ngừng, những đóng góp to lớn của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong suốt quá trình 45 năm xây dựng và phát triển. Những phần thưởng đó làm vẻ vang thêm truyền thống của một tập thể đơn vị Anh hùng Lao động, để các thế hệ cán bộ, sinh viên Nhà trường luôn tự hào về mái trường nơi mình đã công tác, học tập và gắn bó. Đó cũng là những động lực to lớn để Nhà trường tiếp tục phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo, thực hiện mục tiêu “Xây dựng trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á” như chủ đề của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XIV (4/2015) đã đề ra.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN