Banner
Trang chủ TIN TỨC Hoạt động chung

Định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu

03/06/2021 22:12 - Xem: 2682
Chiều ngày 02/6, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị về thực trạng, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nghành dược liệu Việt Nam và khả thi trồng, sản xuất dược liệu tại tỉnh Thái Nguyên. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các Hội liên quan; lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).

                     

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hội nghị

Đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp đã báo cáo về thực trạng, định hướng phát triển ngành dược liệu Việt Nam và một số đề xuất kiến nghị hoàn thiện định hướng chiến lược phát triển dược liệu của tỉnh. Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu dược liệu của nước ta từ 60.000 – 80.000 tấn/ năm; hàng năm Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến, sử dụng của ngành dược liệu Việt Nam còn nhỏ, manh mún, chưa hiệu quả; một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt… Để ngành dược liệu đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, trong những năm gần đây Trung ương đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, trong đó xác định 3 định hướng về phát triển dược liệu, đó là: Phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương; phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu; phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu từ giống, trồng, thu hoạch, sản xuất.

Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, tỉnh Thái Nguyên có nhiều thuận lợi để phát triển ngành dược liệu như: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, thuận lợi phát triển cây dược liệu; đa dạng về nguồn tài nguyên dược liệu thực vật, dược liệu động vật; trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình trồng dược liệu (cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, sạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân, sâm bố chính…); có các chính sách ưu đãi từ Trung ương đến địa phương cho việc phát triển cây dược liệu

Tuy nhiên, việc triển khai trồng, sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp cũng đề xuất một số định hướng phát triển cây dược liệu, trong đó tập trung xây dựng, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng, phát triển và chế biến sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu; có cơ chế cụ thể để thu hút các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật công nghệ cao đầu tư nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong bảo tồn, lai tạo, sản xuất giống cây và phát triển sản phẩm giá trị cao từ cây dược liệu...

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về xây dựng kế hoạch tổng thể quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu; đồng thời thống nhất đề xuất UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc phát triển ngành dược liệu của tỉnh cần có lộ trình, mô hình thí điểm lựa chọn cây dược liệu phù hợp có hiệu quả kinh tế cao, từ đó làm cơ sở để nhân rộng, tiến tới lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Giao Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh, định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kết nối với các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu.

Thainguyen.gov.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
phai

Lượt truy cập:

Đang online:

Ngày hôm qua: