Banner
Trang chủ TIN TỨC Hoạt động chung

Khoa Chăn nuôi Thú y (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên): “Điểm sáng” trong hợp tác, liên kết đào tạo với doanh nghiệp

05/10/2022 08:45 - Xem: 1731
Giai đoạn 2015-2021, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (TUAF) có nhiều hoạt động liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng nhân sự… trở thành “điểm sáng” trong khối các trường đào tạo về chăn nuôi, thú y trên toàn quốc. Điều này đã mang lại những lợi ích thiết thực cho sinh viên, Khoa và Doanh nghiệp!

Đa dạng các hình thức hợp tác

Theo TS. Phan Thị Hồng Phúc – Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y (TUAF) giai đoạn 2015-2021, Khoa đã có nhiều hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là cho sinh viên. Cụ thể các hoạt động hợp tác đó là: đào tạo, nghiên cứu khoa học, ngoại khóa, tặng mô hình và thiết bị học tập, trao học bổng, tuyển dụng nhân sự và hỗ trợ công tác tuyển sinh…

TS. Phan Thị Hồng Phúc – Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y (TUAF)

Cụ thể, theo TS. Phan Thị Hồng Phúc, về xây dựng chương trình đào tạo, Khoa đã kết hợp với các doanh nghiệp rà soát 1 năm/lần, cập nhật 2 năm/lần chương trình được xây dựng theo hướng linh hoạt có phần chung và phần riêng.

 Điển hình, Khoa và Công ty Greenfeed đã hợp tác xây dựng yếu tố chuẩn năng lực cao về kiến thức chung, kiến thức thú y, kiến thức chăn nuôi; kết hợp để triển khai các các khóa học kĩ năng mềm về kỹ năng lập và thuyết trình dự án, lãnh đạo bản thân, bán hàng giá trị, chăn nuôi 4.0 cho các em sinh viên của Khoa.

 Về định hướng nghề nghiệp, Khoa đã xây dựng học phần định hướng nghề nghiệp và tổ chức dạy cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Trong quá trình tổ chức khoa đã mời Ceo từ các công ty và Cựu sinh viên thành đạt tham gia định hướng. Điển hình khoa đã kết hợp với các công ty như Greenfeed, Marphavet, Hải Thịnh, Greenvet, Agriviet, Dinh dưỡng Hà Thành… tổ chức các work shop; tổ chức các buổi tham quan nhà máy, bệnh viện thú y… nhằm giúp cho sinh viên hình dung rõ hơn về công việc của mình.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y đi thực tập tại trang trại

Cùng với đó, các doanh nghiệp đã tham gia với Khoa để đánh giá chuẩn đầu ra trước khi tốt nghiệp. Hiện nay, 2 chương trình Bác sĩ Thú y và Kỹ sư Chăn nuôi thú y của Khoa đã đạt chuẩn AUN – QA, đóng góp vào thành công đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Khoa cũng đã kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cụ thể các lớp sau: Marphavet 2 lớp; Biovet 1 lớp; Greenfeed 2 lớp; Agriviet 1 lớp và Tigervet 1 lớp, Hoà Phát 1 lớp.

 “Ngoài ra, Khoa còn kết nối với các doanh nghiệp để bố trí nơi thực tập cho sinh viên. Trong 5 năm có gần 5000 lượt sinh viên đến các cơ quan, doanh nghiệp rèn nghề, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp”, TS Phan Thị Hồng Phúc nhấn mạnh.

Trong việc kết hợp với các doanh nghiệp trong nghiên cứu và khởi nghiệp, ví dụ gần đây nhất khoa đã kết hợp với công ty VietKo Bio để thử nghiệm các sản phẩm của công ty trên hai đối tượng là lợn và gà tại trang trại của công ty Thiên Thuận Tường (Quảng Ninh) và tổ chức hội thảo công bố kết quả. Cùng với đó, Khoa cùng với các doanh nghiệp tổ chức các hội thi kiến thức nghề cho sinh viên, đây là sân chơi thiết thực giúp cho sinh viên trưởng thành hơn.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y (TUAF) trong hội thi kiến thức nghề

Trong quá trình đào tạo, các doanh nghiệp như Greenfeed, Tigervet, Marphavet, Thịnh Phú… đã tài trợ các mô hình, trang thiết bị học tập giúp cho sinh viên học tập tốt hơn.

 Ngoài ra, hàng năm có nhiều doanh nghiệp tặng học bổng cho sinh viên của Khoa như Marphavet, Greenfeed, CP, Hanvet, Olmix, Thái Việt, Biovet, Japfa, Thú y xanh, Hòa Phát, Agriviet, STV Thái Dương, Hải Thịnh, Phú Trung, UV, Tigervet, ..

 Cũng theo TS. Phan Thị Hồng Phúc, một điển hình nữa trong việc kết hợp giữa Khoa và các doanh nghiệp đó là hợp tác trong việc tuyển dụng nhân sự và tổ chức ngày hội việc làm. Giai đoạn 2015-2021 có 330 doanh nghiệp tham dự, với 2155 sinh viên tham gia và có 1962 sinh viên trúng tuyển đi làm tại doanh nghiệp. Qua thống kê cho thấy, sau khi ra trường 6 tháng 100% sinh viên đã có việc làm, trong đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đi làm tại các doanh nghiệp chiếm 91%, còn lại 9% sinh viên đi làm tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y (TUAF) phỏng vấn tại Ngày hội việc làm 2022

Mang lại nhiều lợi ích cho ba bên

PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, việc gắn kết các hoạt động đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà trường, doanh nghiệp và người học.

 Thứ nhất, với nhà trường được doanh nghiệp tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình đào tạo; góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học. Khi kết hợp với các doanh nghiệp, Nhà trường và doanh nghiệp có cơ hội trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai, nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như tìm được đầu ra phong phú cho người học. Từ đó nâng cao uy tín của nhà trường trước yêu cầu thị trường lao động đa dạng và luôn biến động, tạo được tiếng vang trong giáo dục và đào tạo, tạo uy tín cũng như duy trì mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp.

 Thứ hai, đối với doanh nghiệp luôn yên tâm có một đội ngũ nhân lực vững chắc khi mình có yêu cầu. Đồng thời, doanh nghiệp tốn ít chi phí tuyển dụng, thử việc, vì qua thời gian thực tập chính là thời gian sinh viên thể hiện năng lực, doanh nghiệp đánh giá khả năng, năng lực, phẩm chất của sinh viên. Nói cách khác, doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồn lao động có chất lượng, có trình độ, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực.

 Doanh nghiệp được phép đánh giá chất lượng đào tạo (phát huy mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu kém) và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường. Doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho nhà trường và tham gia giảng dạy vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu, từ đó được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường được đảm bảo bởi đầu ra là quá trình đào tạo của nhà trường là đầu ra của quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp; tiếp cận những thông tin về khoa học, công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực từ nhà trường để nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên

Thứ ba, đối với sinh viên có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp giúp nắm bắt được môi trường thực tế, phát triển được kỹ năng giải quyết những vấn đề phát sinh, mở rộng mối quan hệ của mình. Cùng với đó, các đợt thực tập, thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn những bài học lí thuyết; kinh nghiệm thực tập sẽ tự tin, sẵn sàng nhận công việc được giao sau khi ra trường. Đợt thực tập cũng là cuộc khảo sát, thử thách họ trong quá trình lập nghiệp.

Nhận xét về quá trình hợp tác với Khoa Chăn nuôi Thú y (TUAF), TS. Trần Đức Hạnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Đức Hạnh Marphavet cho biết, Tập đoàn đã hợp tác với khoa nhiều năm, đã ký hợp tác toàn diện với khoa, trong 5 năm vừa qua đã cùng khoa đào tạo 2 lớp đặt hàng, cùng xây dựng phần chung và phần riêng cho chương trình đào tạo, trong quá trình đào tạo nhà trường hỗ trợ rất tốt về thời gian, cơ sở vật chất, truyền thông… để bố trí các học phần ngoại khoá. Sinh viên năng động, chịu khó, ham học hỏi, nhiều em đã được chúng tôi tuyển dụng ngay trong quá trình thực tập và các bạn làm việc hiệu quả như một cán bộ thực thụ của công ty.

Ông Nguyễn Huy Hiệp, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Greenfeed cho biết, việc hợp tác rất tốt; các Thầy, Cô hỗ trợ nhiệt tình về thời khóa biểu, cơ sở vật chất, truyền thông, đào tạo. Sinh viên tham gia nhiệt tình và chất lượng sinh viên tốt.

Còn ông Lê Trọng Giáp – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Agriviet chia sẻ: “Việc hợp tác này rất có hiệu quả với doanh nghiệp. Với lớp đặt hàng Agriviet đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm; hội thảo chuyên môn; trao học bổng cho sinh viên và nhận sinh viên thực tập thăm quan tại công ty. Tuy nhiên, thời gian qua vì dịch bệnh kéo dài nên việc tương tác giữa Công ty và nhà trường chưa được đều đặn và thường xuyên như trước. Chúng tôi hi vọng thời gian tới, các hoạt động sẽ được diễn ra thường xuyên và liên tục hơn nữa”…

Đổi mới hơn nữa…

Theo các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tuyển sinh, ngoại khóa, định hướng nghề nghiệp… của Khoa cũng cần có sự đổi mới, cập nhật liên tục hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Cụ thể, thầy cô nên cập nhật thông tin liên tục để truyền tải đến người học; nên mời doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu tham gia sâu vào quá trình đào tạo (vào mỗi học phần). Cùng với đó, tăng cường trao đổi đào tạo quốc tế (giảng viên và sinh viên), trao đổi giữa doanh nghiệp và giảng viên; xây dựng tổ nghiên cứu chiến lược để bắt kịp với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp. Chọn các doanh nghiệp tiêu biểu (10-15) để xây dựng các chuyên đề cho sinh viên toàn khóa.

Cùng với đó, Khoa phân loại sinh viên đăng ký đi thực tập tốt nghiệp (gia súc, gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thú cưng…) trước khi đi thực tập tốt nghiệp.

Các doanh nghiệp đóng góp ý kiến trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng nhân sự

cho Khoa Chăn nuôi Thú y TUAF tại một hội nghị 

Đại diện Công ty Hanvet cho rằng, định hướng nghề nghiệp sẽ tập trung ở trường PTTH, định hướng chuyên sâu sẽ được các khoa, các trường đại học định hướng, khi vào năm đầu khoa đã định hướng chuyên sâu ngành nghề của mình cho sinh viên, cùng với đó, Khoa đã tổ chức các buổi ngoại khoá cho sinh viên năm nhất được tiếp xúc với những người thành đạt trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, được tiếp cận với trang trại, xí nghiệp, nhà máy ngay khi vào trường do vậy sinh viên dễ dàng định hướng chuyên sâu được nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên sinh viên đi thực tập cần phải có báo cáo sau chuyến đi và gửi cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi Hòa Phát chia sẻ, ngành chăn nuôi sẽ chuyển biến mạnh mẽ, không còn manh mún, vì vậy, sinh viên nên dành 3-6 tháng đi thực tế, tham quan các nhà máy, trang trại để sinh viên hình dung được công việc trong tương lai. các chương trình học của nhà trường đã kịp thời cập nhật thông tin và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, từ đó sinh viên thấy được việc cần học để cập nhật công nghệ, qua trải nghiệm sẽ có sự lựa chọn theo đam mê: gà, lợn hay bò từ đó sinh viên dễ định hướng được nghề nghiệp trong tương lai và đăng ký theo năng lực vào sở thích của bản thân. Nội dung đào tạo cho sinh viên có nhiều học phần đã định hướng theo phân nhóm, chuyên sâu cho ngành; cập nhật được kiến thức chăn nuôi mới, thời gian tới khoa cử sinh viên đi thực tập theo định hướng chuyên sâu và năng lực, sở thích của của sinh viên.

Các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra đã được Khoa tiếp thu và cùng Doanh nghiệp xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn tới.

Nguồn: Nhachannuoi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
phai

Lượt truy cập:

Đang online:

Ngày hôm qua: