Banner
Trang chủ TIN TỨC

Đánh giá trực tuyến – từ xa chương trình đào tạo: cách tiếp cận mới trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo

21/02/2022 14:09 - Xem: 2271
Đánh giá trực tuyến – từ xa chương trình đào tạo: cách tiếp cận mới trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo - kinh nghiệm thực tiễn từ đánh giá trực tuyến- từ xa chương trình đào tạo theo AUN-QA tại Đại học Thái Nguyên

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hoạt động đảm bảo chất lượng và đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) được nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm. Với xu hướng hội nhập quốc tế về chất lượng đào tạo, các trường đại học hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế thông qua việc đăng ký đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Hoạt động đánh giá CTĐT thường bắt đầu bằng việc trường đại học viết báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đã lựa chọn, cải thiện chất lượng CTĐT, đăng ký đánh giá với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, đón đoàn đánh giá ngoài đến làm việc trực tiếp tại trường để khảo sát về CTĐT, phỏng vấn các bên liên quan, tham quan cơ sở vật chất, nghiên cứu hồ sơ minh chứng xác thực các thông tin đã viết trong báo cáo tự đánh giá và đưa ra kết luận về chất lượng của CTĐT so với yêu cầu của tiêu chuẩn đã đặt ra. Tuy nhiên từ năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng và có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của cuộc sống, các hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng nhà trường, CTĐT đã được các tổ chức đánh giá, kiểm định chất lượng trên thế giới như Tổ chức đánh giá chất lượng chương trình giáo dục thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng, máy tính, kỹ sư, công nghệ (ABET), Hiệp hội phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học (AACSB), Hội đồng kiểm định giáo dục y khoa sau đại học (ACGME), AUN-QA, …chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến-từ xa. Bài viết này nhằm giới thiệu về hình thức đánh giá CTĐT trực tuyến-từ xa, so sánh sự khác biệt giữa hai hình thức đánh giá, điểm mạnh, điểm tồn tại và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá từ kinh nghiệm triển khai thực tiễn tại Đại học Thái Nguyên với đánh giá trực tuyến-từ xa chất lượng CTĐT của Tổ chức đảm bảo chất lượng – Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

II. TỔNG QUAN VỀ ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN VÀ HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ TRỰC TUYẾN-TỪ XA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA AUN-QA

1. Giới thiệu về Đại học Thái Nguyên

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là đại học vùng được thành lập từ năm 1994. Hiện nay ĐHTN có 11 đơn vị đào tạo bao gồm 07 trường đại học thành viên, 01 trường trực thuộc, 01 khoa trực thuộc, Phân hiệu tại tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật. Toàn đại học hiện có 328 CTĐT các trình độ. Hệ thống đảm bảo chất lượng trong đại học được xây dựng theo mô hình ba cấp Đại học là Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, trường thành viên và trực thuộc có Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục/ Phòng Quản lý chất lượng, khoa trực thuộc có bộ phận khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, tại các khoa thuộc trường thành viên có cán bộ kiêm nhiệm về công tác này.

ĐHTN trở thành thành viên liên kết của AUN-QA từ năm 2015, đợt đánh giá CTĐT đầu tiên của AUN-QA tại ĐHTN theo hình thức trực tuyến-từ xa đối với 04 CTĐT thuộc ngành sư phạm và y dược diễn ra vào tháng 3/2021 sau một thời gian trì hoãn do dịch bệnh. Để thực hiện tốt hoạt động đánh giá CTĐT, ĐHTN đã triển khai các hoạt động sau:

Xây dựng chiến lược về đánh giá và kiểm định chất lượng CTĐT và cụ thể hóa các đến trường đại học thành viên, Khoa trực thuộc thông qua kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Kế hoạch tự đánh giá CTĐT cụ thể hóa tới từng cá nhân, đơn vị với thời gian thực hiện và sản phẩm cần đạt được.

Ban hành hướng dẫn nội bộ về đánh giá CTĐT của ĐHTN dựa trên các văn bản hướng dẫn của AUN-QA. Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục tư vấn Ban chỉ đạo hoạt động đánh giá CTĐT – ĐHTN định kỳ rà soát việc triển khai để hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, ĐHTN đã tổ chức học tập kinh nghiệm của đơn vị như Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; kinh nghiệm về triển khai tự đánh giá và viết báo cáo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường ĐH Ngoại thương, …

Tại ĐHTN, báo cáo tự đánh giá CTĐT được đọc thẩm định qua 02 cấp. Hội đồng tự đánh giá và Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ở cấp trường. Cấp ĐHTN, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐHTN đọc và tư vấn chỉnh sửa báo cáo tự đánh giá, hồ sơ minh chứng Tiếng Việt và Tiếng Anh nhằm làm rõ điểm mạnh điểm tồn tại của CTĐT. Đồng thời khuyến nghị các biện pháp cải thiện chất lượng đối với các điểm tồn tại của CTĐT.

ĐHTN xây dựng phần mềm lưu trữ hồ sơ minh chứng trực tuyến phục vụ hoạt động đánh giá chất lượng nhà trường và CTĐT. Phần mềm đã hỗ trợ hiệu quả cho chuyên gia đánh giá và cán bộ của Hội đồng tự đánh giá, đặc biệt với hình thức đánh giá trực tuyến-từ xa.

Vượt qua những khó khăn trong tiếp cận cách đánh giá mới, 04 CTĐT được chuyên gia AUN-QA đánh giá ở mức đáp ứng yêu cầu và hơn mong đợi. Trong nửa cuối năm 2021, ĐHTN có thêm 03 CTĐT thuộc lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá bởi AUN-QA, từng bước góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của ĐHTN trong khu vực.

2. Quy trình đánh giá đánh giá từ xa/ trực tuyến CTĐT của AUN-QA

Đánh giá chất lượng CTĐT là một trong những hoạt động của AUN-QA nhằm mục tiêu (1) khuyến nghị về những lĩnh vực trường đại học cần cải thiện (2) nâng cao hiệu quả của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học nhằm đạt được chuẩn quốc tế [3],[4],[5]. Hoạt động đánh giá CTĐT được tổ chức theo quy trình sau: Trường đại học viết báo cáo tự đánh giá CTĐT – Đăng ký đánh giá với Thư ký AUN-QA (trực tuyến từ năm 2018) – AUN-QA thông báo lịch đánh giá – Trường gửi báo cáo tự đánh giá – Chuyên gia đánh giá nghiên cứu báo cáo, hồ sơ minh chứng – Khảo sát tại trường đại học  – Gửi báo cáo đánh giá ngoài cuối cùng – Trường gửi phản hồi về hoạt động đánh giá – Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (nếu CTĐT đáp ứng yêu cầu).

 Theo hướng dẫn mới nhất của AUN-QA [5], quy trình đánh giá từ xa CTĐT của AUN-QA và quy trình đánh giá tại chỗ khác nhau cơ bản ở hoạt động khảo sát thực địa, nếu như trước kia hoạt động này được triển khai trực tiếp tại chỗ thì trong hoạt động đánh giá từ xa, khảo sát này sẽ được tiến hành trực tuyến, từ xa trên phần mềm Zoom.

Các hoạt động để chuẩn bị và triển khai chia theo các giai đoạn trước đánh giá, trong quá trình đánh giá và sau đánh giá cụ thể như sau:

2.1. Họp trước đợt đánh giá

Có 04 cuộc họp trước ngày đánh giá trực tuyến, được triển khai trên phần mềm Zoom.

Họp định hướng (trước 2 tháng)   Họp nhóm quản lý Zoom (trước 1-2 tuần)   NGÀY ĐÁNH GIÁ
    Kiểm tra mức độ sẵn sàng (trước 1 tháng)   Họp rà lần cuối (trước 1 tuần)  
                 

2.1.1. Họp định hướng với trường đại học và CTĐT

Cuộc họp định hướng được tổ chức sau khi, trường đại học gửi báo cáo tự đánh giá CTĐT, minh chứng cốt lõi, bảng kiểm báo cáo tự đánh giá và các tài liệu có liên quan cho Thư ký AUN-QA.  Trong cuộc họp này, Thư ký AUN-QA phụ trách đợt đánh giá CTĐT sẽ thông báo về quy trình đánh giá và các hoạt động chuẩn bị cần triển khai và danh sách thành viên đoàn đánh giá. Các tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp sẽ được gửi trước cho các trường nghiên cứu kỹ và có thể đặt câu hỏi để được giải đáp những vấn đề cần làm rõ.

2.1.2. Họp kiểm tra mức độ sẵn sàng của trường đại học

Đợt kiểm tra mức độ sẵn sàng thường diễn ra sau khi báo cáo tự đánh giá CTĐT được chuyên gia đánh giá AUN-QA thẩm định và chấp thuận. Các hoạt động bao gồm (1) thử nghiệm phát trực tiếp thăm quan cơ sở vật chất (đến tất cả các hạng mục cơ sở vật chất ở cấp trường và khoa); (2) kiểm tra phòng phỏng vấn: camera toàn cảnh, sắp xếp chỗ ngồi, thiết bị phục vụ phỏng vấn theo yêu cầu.

Chuyên gia đánh giá chủ chốt cùng Thư ký AUN-QA tham gia buổi kiểm tra sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc triển khai đánh giá trực tuyến-từ xa CTĐT.

Thư ký AUN-QA gửi chương trình đánh giá cho trường đại học để thảo luận, thống nhất trước đợt đánh giá từ 1-2 tháng.

2.1.3. Họp định hướng với nhóm quản lý Zoom

02 tuần trước ngày đánh giá chính thức, Thư ký AUN-QA tổ chức họp để hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật tổ chức cuộc họp Zoom. Nhóm quản lý Zoom gồm 02 cấp: cấp trường và CTĐT, mỗi nhóm cần tối thiểu 02 thành viên. Cán bộ quản lý Zoom cấp trường phụ trách buổi khai mạc, bế mạc và phát trực tiếp thăm quan cơ sở vật chất cấp trường. Cán bộ quản lý Zoom cấp CTĐT phụ trách các hoạt động phỏng vấn và phát trực tiếp thăm quan cơ sở vật chất cấp Khoa, CTĐT. Nhóm quản lý Zoom cấp CTĐT phải luôn trực trong thời gian đánh giá do vậy không bố trí các cán bộ này làm các công việc khác. Trong trường hợp hạn chế về nhân lực, có thể bố trí cán bộ quản lý Zoom cấp trường quản lý Zoom cấp CTĐT.

2.1.4. Cuộc họp rà soát lần cuối

02 tuần trước đợt đánh giá, Thư ký AUN-QA và đại diện trường họp để rà soát lại chương trình đánh giá và sắp xếp các buổi phỏng vấn trong đợt đánh giá; giải quyết các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động đánh giá.

2.1.5. Họp định hướng của trường đại học với người được phỏng vấn

01 tuần trước đợt đánh giá hoặc theo lịch phù hợp, Trường/ Khoa tổ chức cuộc họp định hướng với các đối tượng được phỏng vấn để chuẩn bị cho đợt đánh giá. Cuộc họp cần cung cấp thông tin tóm lược về mục đích của hoạt động đánh giá CTĐT, phiên phỏng vấn, thông tin về Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, về Tổ chức Đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á, mục đích đánh giá CTĐT theo AUN-QA, hướng dẫn sử dụng Zoom, quy tắc và nghi thức cần thực hiện khi tham gia phỏng vấn; thông báo về cam kết giữ bí mật thông tin, và chấp thuận về việc chụp ảnh và ghi hình trong quá trình đánh giá.

2.2. Hoạt động đánh giá chính thức

Thời gian 05 ngày, các hoạt động triển khai bao gồm khai mạc, làm việc với trưởng khoa, phó khoa, cán bộ quản lý CTĐT, trưởng bộ môn và nhóm viết báo cáo tự đánh giá; phỏng vấn các bên liên quan của CTĐT bao gồm sinh viên, giảng viên, cán bộ hỗ trợ đào tạo, cựu sinh viên và nhà sử dụng lao động; thăm quan cơ sở vật chất cấp trường và Khoa/ CTĐT theo hình thức phát trực tiếp; nghiên cứu sâu hồ sơ minh chứng, làm rõ báo cáo tự đánh giá. Các kết quả đánh giá ban đầu sẽ được công bố trong phiên bế mạc.

2.3. Các hoạt động sau đánh giá

Sau đợt đánh giá từ 1,5 đến 2 tháng, Thư ký đợt đánh giá sẽ gửi Báo cáo đánh giá ngoài cuối cùng của đoàn đánh giá cùng mẫu phản hồi về quá trình đánh giá cho trường đại học. Trường và CTĐT gửi phản hồi cho Thư ký AUN-QA trong vòng hai tuần sau khi nhận được Báo cáo đánh giá ngoài.

Ban thư ký AUN-QA hoàn thiện Báo cáo đánh giá ngoài (phiên bản in) và cấp chứng nhận cho CTĐT sau khi nhận được đầy đủ tài liệu.

Thời gian cấp chứng nhận: sau đợt đánh giá từ 2 đến 3 tháng.

III. ĐÁNH GIÁ CTĐT TRỰC TIẾP VÀ TỪ XA: SỰ KHÁC BIỆT, THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC CỦA MỖI HÌNH THỨC

3.1. Sự khác biệt giữa hai hình thức

Từ các hướng dẫn của AUN-QA đối với hoạt động đánh giá trực tiếp tại chỗ và đánh giá từ xa CTĐT, kinh nghiệm triển khai của ĐHTN và các đơn vị [1], [2], sự khác biệt giữa hai hình thức về thời gian đánh giá, quy trình thực hiện, việc chuẩn bị hồ sơ báo cáo, minh chứng tài liệu, … được tác giả tổng hợp trong bảng 3.1.

Bảng 3.1. So sánh sự khác biệt giữa hình thức đánh giá CTĐT trực tiếp và từ xa

Nội dung Đánh giá trực tiếp Đánh giá từ xa
Thời gian đánh giá 03 ngày 05 ngày
Phương thức Tại chỗ, trực tiếp Qua phần mềm Zoom
Quy trình thực hiện – Trường gửi báo cáo tự đánh giá – Chuyên gia đánh giá thẩm định báo cáo. – Thống nhất chương trình đánh giá. – Triển khai các hoạt động hậu cần phục vụ đánh giá. – Đánh giá chính thức. – Thư ký AUN-QA gửi báo cáo đánh giá ngoài cho Trường đại học. – Nhận phản hồi về quá trình đánh giá từ Trường đại học. – Cấp giấy chứng nhận Bổ sung các bước: họp định hướng, kiểm tra mức độ sẵn sàng của Trường đại học, tập huấn sử dụng phần mềm Zoom, họp rà soát lần cuối trước đánh giá.
Thời gian nộp báo cáo tự đánh giá và minh chứng cốt lõi Trước khảo sát chính thức ít nhất từ 1,5 đến 2 tháng Trước khảo sát chính thức ít nhất từ 2 đến 3 tháng
Các tài liệu kèm theo – Bảng kiểm báo cáo tự đánh giá; – Phản hồi về quá trình đánh giá của AUN-QA (Phụ lục F); – Cuốn hướng dẫn bản mềm (Bản giới thiệu về CTĐT, Trường đại học, thông tin liên hệ …)   – Các tài liệu như đánh giá tại chỗ ở dạng bản mềm; – Video ghi hình cơ sở vật chất cấp trường, khoa/CTĐT; – Cam kết giữ bí mật thông tin của Trường đại học; – Cam kết của đối tượng được phỏng vấn chấp thuận về việc chụp ảnh và quay phim; – Danh sách khách quan trọng tham dự lễ khai mạc và lễ bế mạc.
Đoàn đánh giá – 02 chuyên gia đánh giá/ CTĐT (một đánh giá viên chính và một đánh giá viên) – Trong đợt đánh giá có từ 02 CTĐT trở lên, AUN-QA bổ nhiệm trưởng đoàn đánh giá trên cơ sở lựa chọn từ các đánh giá viên chính trong đợt đánh giá. – Không có người xác minh địa phương – Thành phần như đối với đánh giá tại chỗ. – Có thể có người xác minh địa phương (Local verifier)
Tham quan cơ sở vật chất Trực tiếp, tại chỗ Phát trực tiếp và thông qua các video ghi hình cơ sở vật chất.
Hình thức, số lượng đối tượng phỏng vấn – Tại trường – Số lượng: – Theo 03 hình thức: Tại trường Các đối tượng phỏng vấn tập trung tại trường trong phiên phỏng vấn trực tuyến/ tham gia phiên phỏng vấn từ trường Tại nhà Toàn bộ đối tượng phỏng vấn tham gia phiên phỏng vấn từ nơi cư trú. Kết hợp Một số đối tượng được phỏng vấn từ nhà/nơi cư trú và một số tập trung tại trường trong phiên phỏng vấn trực tuyến. – Số lượng đối tượng tham gia như đánh giá trực tiếp.

3.2. Thuận lợi và khó khăn, thách thức

Từ những khác biệt trên có thể thấy những thuận lợi và thách thức của 02 hình thức đánh giá như sau:

Bảng 3.2. So sánh thuận lợi và khó khăn khi áp dụng hình thức đánh giá CTĐT trực tiếp và từ xa

Nội dung Thuận lợi Khó khăn thách thức
Đánh giá trực tiếp/ tại chỗ – Trao đổi, giao tiếp giữa các bên liên quan dễ dàng. – Hệ thống minh chứng, tài liệu sẵn có, đầy đủ và đa dạng. – Chuyên gia có thể tiếp cận trực tiếp với minh chứng đặc biệt các sản phẩm công nghệ hoặc thiết bị. – Tiết kiệm kinh phí xây dựng video về cơ sở vật chất, trang thiết bị. – Có nhiều thời gian để trao đổi, giao lưu giữa chuyên gia đánh giá và cán bộ, giảng viên về văn hóa và chuyên môn. – Chi phí đi lại ăn ở cho các bên liên quan trong quá trình đánh giá. – Các đối tượng được phỏng vấn ở địa phương khác hoặc ở địa điểm xa trường đại học khó tham gia. – Các đối tượng tham gia đánh giá cần  thời gian di chuyển.  
Đánh giá từ xa – Đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các đối tượng tham gia đồng thời đảm bảo mục tiêu, sự bảo mật và sự chính xác của hoạt động đánh giá CTĐT. – Tiết kiệm kinh phí di chuyển, ăn ở của các bên liên quan đến hoạt động đánh giá. – Tiết kiệm thời gian di chuyển. – Các đối tượng được phỏng vấn có thể tham gia tại nhà, không ảnh hưởng nhiều đến công việc. – Hạn chế về giao tiếp, trao đổi giữa các bên do năng lực Tiếng Anh, sử dụng ngôn ngữ cử chỉ hoặc bị ảnh hưởng tốc độ đường truyền internet. – Cần kỹ năng quay phim tốt và sự chuẩn bị công phu để thể hiện đầy đủ bối cảnh triển khai các hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học và hệ thống minh chứng; thể hiện được đầy đủ về số lượng và chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị qua băng ghi hình và phát trực tiếp. – Cần thời gian để quét minh chứng, tài liệu tải lên phần mềm Google drive hoặc đính kèm trong báo cáo tự đánh giá. Đặc biệt đối với tài liệu có dung lượng lớn nếu không có phần mềm chuyên dụng. – Chất lượng cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động đánh giá.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN ĐÁNH GIÁ TRỰC TUYẾN-TỪ XA TẠI ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

Đại học Thái Nguyên đã đánh giá thành công 04 CTĐT theo hình thức trực tuyến-từ xa. Chuyên gia đánh giá và thư ký đánh giá CTĐT của AUN-QA đánh giá cao các hoạt động chuẩn bị và phối hợp của Đại học Thái Nguyên. Trên cơ sở những khác biệt giữa hai hình thức đánh giá, những thuận lợi và khó khăn của mỗi hình thức, Đại học Thái Nguyên rút ra một số kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hoạt động đánh giá trực tuyến-từ xa CTĐT của AUN-QA như sau:

4.1. Về công tác chỉ đạo, lập kế hoạch

Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược về đánh giá và kiểm định chất lượng CTĐT nhằm tạo nguồn lực và gắn kết các đơn vị, bộ phận trong quá trình triển khai hoạt động đánh giá.

Cụ thể hóa các tài liệu hướng dẫn của AUN-QA, đúc rút các kinh nghiệm triển khai từ trường bạn để xây dựng hướng dẫn nội bộ về đánh giá trực tuyến CTĐT theo AUN-QA phù hợp với thực tế của nhà trường.

Định kỳ rà soát việc triển khai các kế hoạch để hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

4.2. Về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên tham gia hoạt động tự đánh giá về kỹ năng viết báo cáo, thu thập hồ sơ minh chứng, sử dụng phần mềm hồ sơ minh chứng. Phối hợp với Thư ký AUN-QA tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm Zoom và thực hành thành thạo kỹ năng này.

Tổ chức học tập kinh nghiệm của đơn vị đã tổ chức đánh giá trực tuyến thành công.

4.3. Tư vấn viết và chỉnh sửa báo cáo tự đánh giá và thu thập thông tin minh chứng

Các cán bộ tham gia viết báo cáo tự đánh giá và thu thập minh chứng cần được tập huấn, tư vấn theo từng tiêu chuẩn, tiêu chí. Mỗi báo cáo tiêu chí được đọc rà soát nhiều lần bám sát hướng dẫn viết báo cáo tự đánh giá nội bộ. Đọc thẩm định qua các cấp để đảm bảo chất lượng của báo cáo tự đánh giá: đáp ứng yêu cầu của AUN-QA, phản ánh rõ chất lượng của CTĐT so với yêu cầu của tiêu chuẩn.

4.4. Sử dụng phần mềm lưu trữ hồ sơ minh chứng trực tuyến

Phần mềm này đã thể hiện tính ưu việt khi tổ chức đánh giá từ xa CTĐT. Toàn bộ báo cáo tự đánh giá và hồ sơ minh chứng được lưu trữ trên phần mềm chuyên dụng để chuyên gia có thể truy cập dễ dàng. Phần mềm thiết kế khi người đọc nhấp chuột vào bất cứ minh chứng nào được viện dẫn trong phần mô tả của báo cáo thì minh chứng, tài liệu đó, bao gồm tóm tắt nội dung minh chứng bằng Tiếng Anh và bản scan minh chứng được hiển thị.  Ngoài ra, hồ sơ minh chứng được lưu trữ khoa học, bảo mật. Các tài liệu, thông tin được sắp xếp một cách hệ thống dưới dạng bản sao kỹ thuật số (tệp mềm/bản chụp tài liệu). Các CTĐT có thể sử dụng minh chứng dùng chung chia sẻ trong quá trình viết báo cáo.

4.5. Về xây dựng kịch bản, quay phim giới thiệu về cơ sở vật chất của chương trình đào tạo và Nhà trường

Theo quy định của AUN-QA, để đánh giá về cơ sở vật chất phục vụ CTĐT, ngoài việc phát trực tiếp chuyến thăm cơ sở vật chất nhà trường cần gửi trước cho chuyên gia đánh giá một video giới thiệu về cơ sở vật chất phục vụ CTĐT cấp Khoa và một video giới thiệu về cơ sở vật chất của trường đại học. Các hạng mục cơ sở vật chất này phải được mô tả trong báo cáo tự đánh giá CTĐT.

Trong quá trình xây dựng kịch bản cho các video giới thiệu về cơ sở vật chất, để nâng cao hiệu quả đánh giá, Nhà trường cần lưu ý làm nổi bật các nội dung sau:

 (1) Hiện trạng sử dụng và sự đóng góp của cơ sở vật chất trong quá trình phục vụ hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên của CTĐT.

(2) Sự truyền tải của triết lý giáo dục trong hoạt động dạy và học, môi trường dạy và học, nghiên cứu của CTĐT. Thể hiện rõ các phương pháp giảng dạy, học tập được triển khai trong CTĐT, đặc biệt các phương pháp dạy học tích cực đồng thời thể hiện môi trường học tập phù hợp khuyến khích người học tự học, học tập có trách nhiệm và chủ động, … Sự gắn kết của Nhà trường và doanh nghiệp giúp người học có môi trường học tập gắn với doanh nghiệp, thực tế.

(3) Nhà trường xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tạo thuận lợi cho người học phát triển về trí tuệ, tinh thần và thể chất như các hoạt động thi đua, văn nghệ, thể thao, tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ,…

Theo yêu cầu của AUN-QA, các hạng mục cơ sở vật chất cấp trường cần bao gồm: Thư viện trường; Phòng máy tính/ Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Đào tạo; Phòng Công tác Học sinh sinh viên; Trung tâm phát triển nghề nghiệp; Trung tâm hỗ trợ sinh viên; Phòng thí nghiệm/ xưởng thực hành. Cấp khoa gồm: Phòng học; Phòng nghiên cứu; Thư viện khoa (nếu có); Phòng thực hành/ thí nghiệm (nếu có).

4.6. Nhân sự

Đối với cán bộ quản lý Zoom, lựa chọn các cán bộ sử dụng thành thạo Tiếng Anh để có thể trao đổi trực tiếp với Thư ký AUN-QA và chuyên gia đánh giá; sử dụng thành thạo phần mềm Zoom để phục vụ cho hoạt động phát trực tiếp cơ sở vật chất và chủ trì các phiên phỏng vấn.

Phiên dịch viên: Mỗi CTĐT cần chuẩn bị 02 phiên dịch viên là phiên dịch độc lập hoặc có thể là giảng viên ở các Khoa/ Trường khác. AUN-QA khuyến khích không sử dụng phiên dịch trong phiên phỏng vấn người học và cựu người học. Tuy nhiên, phiên dịch viên cần luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Chuyên gia đánh giá AUN-QA và Thư ký AUN có quyền yêu cầu thay phiên dịch viên mới nếu cần thiết.

Cán bộ tham gia phát trực tiếp cơ sở vật chất: quay video, người thuyết minh người phụ trách cơ sở vật chất.

Đối tượng tham gia phỏng vấn: Cần lựa chọn đúng đối tượng và đủ về số lượng theo yêu cầu của AUN-QA. Các đối tượng tham gia phỏng vấn sử dụng thành thạo Tiếng Anh sẽ giúp hoạt động đánh giá đạt hiệu quả cao.

4.7. Phát trực tiếp chuyến thăm cơ sở vật chất

4.7.1. Lựa chọn thiết bị

Các thiết bị có camera, thiết bị chống rung, tai nghe và mic hoặc micrô kết nối bluetooth (tùy chọn) đều có thể sử dụng phục vụ phát trực tiếp.

Các đơn vị có thể sử dụng điện thoại có sim 3G/4G hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng kèm theo đường kết nối mạng internet cố định để phát trực tiếp cơ sở vật chất. So sánh ưu nhược điểm của hai hình thức này như sau:

Nội dung Điện thoại kết nối wifi hoặc 3G/4G Máy quay chuyên dụng và kết nối mạng dây
Chất lượng hình ảnh Có thể có thời điểm hình bị dừng Hình nét và không bị dừng hình
Đường truyền Có thể bị giới hạn tại các địa điểm khuất  
Độ linh động Có thể linh động, đến được các điểm xa theo yêu cầu của chuyên gia Hạn chế sự linh động trong di chuyển giữa các phát trực tiếp cơ sở vật chất và trong cùng một điểm bởi độ dài của dây.
Nhân sự – Cán bộ, giảng viên và sinh viên có thể tham gia quay phim phát trực tiếp. – Chỉ cần 1 người quay phim và một cán bộ thuyết trình. – Cần nhân sự để trải dây theo lộ trình quay. – Người quay phim cần có kinh nghiệm để điều chỉnh góc máy. – Có thể phát sinh kinh phí thuê thiết bị, nhân công.

Trường đại học có thể lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện thực tế của trường để đạt hiệu quả cao nhất.

4.7.2. Xây dựng kịch bản phát trực tiếp chuyến thăm quan cơ sở vật chất

Đảm bảo tên và thứ tự các cơ sở vật chất được phát trực tiếp theo đúng danh sách cơ sở vật chất đã nộp cho đoàn đánh giá.

Xây dựng kế hoạch và kịch bản cụ thể cho từng điểm gồm thời gian, lộ trình, các nội dung giới thiệu, và nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ tham gia. Để giảm thiểu thời gian di chuyển giữa các điểm cơ sở vật chất, trường đại học cần chuẩn bị ít nhất 03 thiết bị phát trực tiếp. Các điểm có thể sử dụng chung thiết bị có camera phát trực tiếp tuy nhiên trường cần quản lý về sử dụng camera để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến trình của phiên phát trực tiếp.

Người thuyết minh và người quay phim tại mỗi địa điểm sử dụng 02 tài khoản riêng có tai nghe và micrô riêng để tránh đường truyền internet không ổn định và đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh. Chuyên gia đánh giá AUN-QA có thể yêu cầu người quay phim hướngmáy quay vào một điểm cụ thể nào đó, do vậy cần đảm bảo người quay phim có thể nghe được thông tin trong quá trình quay.

Chuyên gia đánh giá của AUN-QA có thể đặt câu hỏi cho các đối tượng sử dụng cơ sở vật chất trong quá trình phát trực tiếp, do vậy cần đảm bảo chất lượng của âm thanh và hoạt động của microphone.

Ngoài tài khoản Zoom do Thư ký AUN-QA cung cấp, nhóm quay có thể lập thêm tài khoản Zoom hoặc Google meeting để trao đổi và điều chỉnh kỹ thuật quay, góc quay hoặc cách thức di chuyển, kiểm tra mức độ sẵn sàng của các điểm phát trực tiếp cơ sở vật chất trong quá trình phát trực tiếp mà không gây ảnh hưởng tới tiến trình phát trực tiếp và đánh giá của chuyên gia đánh giá AUN-QA.

4.7.3. Người thuyết minh

Nhà trường cần bố trí người thuyết minh cho mỗi điểm cơ sở vật chất. Người thuyết minh cần có khả năng giải thích, cung cấp thông tin về cơ sở vật chất và có thể trả lời các câu hỏi của chuyên gia đánh giá AUN-QA trong quá trình phát trực tiếp.

Trong trường hợp người phụ trách cơ sở vật chất không sử dụng Tiếng Anh thành thạo, phiên dịch viên có thể đóng vai trò là người thuyết minh về cơ sở vật chất dựa trên thông tin giới thiệu do người phụ trách cung cấp. Các câu hỏi của chuyên gia đánh giá sẽ được dịch trực tiếp cho người phụ trách cơ sở vật chất để trả lời trong quá trình phát trực tiếp.

4.7.4. Chạy thử kịch bản phát trực tiếp chuyến thăm quan cơ sở vật chất

Trước đợt kiểm tra sự sẵn sàng của trường đại học (Readiness test) và đợt đánh giá chính thức, trường đại học nên tổ chức chạy thử kịch bản phát trực tiếp thăm quan cơ sở vật chất. Qua hoạt động này, các nhóm quản lý Zoom, cán bộ phụ trách quay phim, các nội dung thuyết minh và tiến trình sẽ được rà soát để đảm bảo phát trực tiếp các địa điểm đúng tiến độ, chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, kỹ năng quay phim, thuyết trình được củng cố và các điểm yếu được khắc phục cải thiện ví dụ tốc độ đường truyền, tốc độ di chuyển camera hay lịch trình di chuyển giữa các địa điểm, sự phối hợp giữa các bên trong quá trình phát trực tiếp,…

V. KẾT LUẬN

Việc chuyển đổi hình thức đánh giá CTĐT từ trực tiếp sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã thể hiện được tính ưu việt khi đồng thời hạn chế được sự di chuyển của các bên liên quan đến quá trình đánh giá, tránh dịch bệnh lây lan, đồng thời giúp trường đại học và chương trình đào tạo tiếp tục khẳng định cam kết về đảm bảo chất lượng đào tạo, không ngừng cải thiện chất lượng và thể hiện được trách nhiệm giải trình với xã hội góp phần đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế về chất lượng đào tạo.

Trong quá trình đánh giá, trường đại học và CTĐT cần thực hiện tốt các hoạt động sau:

Chủ động và sẵn sàng ở mức cao nhất để cung cấp các thông tin, minh chứng chuyên gia đánh giá yêu cầu nhằm làm rõ chất lượng của CTĐT.

Không suy đoán: do các hoạt động phỏng vấn, hỏi đáp có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng đường truyền internet, phiên dịch hoặc các đối tượng tham gia phỏng vấn, cán bộ hỗ trợ hoạt động đánh giá chưa rõ câu hỏi, yêu cầu của chuyên gia cần hỏi lại, tránh suy đoán vì có thể dẫn đến việc đưa ra câu trả lời không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

Hợp tác chặt chẽ với Thư ký AUN-QA. Thư ký AUN-QA là cầu nối giữa chuyên gia và nhà trường trong quá trình đánh giá, họ sẽ hỗ trợ giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà trường trước, trong và sau quá trình đánh giá. Hãy sử dụng tối đa sự hỗ trợ của họ.

Việc chuyển kinh phí đánh giá trong hình thức đánh giá trực tiếp và từ xa có sự khác biệt. Đối với kinh phí chi trả cho chuyên gia đánh giá và phí phát triển, việc chi trả không thể thực hiện trực tiếp. AUN-QA không có quy định về mẫu hợp đồng và thanh lý, do vậy nhà trường cần chủ động soạn thảo và trình ký để chuyển tiền trực tuyến cho AUN-QA.

Bên cạnh những ưu điểm, chúng ta cũng nhận thức rõ được những hạn chế của hình thức đánh giá trực tuyến-từ xa CTĐT để có biện pháp khắc phục, hạn chế nhược điểm nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động đánh giá CTĐT. Hy vọng bài viết góp phần nhỏ để giải đáp những thắc mắc cho các đơn vị trong việc lựa chọn và triển khai đánh giá trực tuyến-từ xa CTĐT theo AUN-QA.

Theo Phạm Văn Hùng; Nguyễn Thị Thu Hương (2021), Sách chuyên khảo “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
phai

Lượt truy cập:

Đang online:

Ngày hôm qua: