Dự buổi tọa đàm gồm có: lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Sở NN &PTNT, Văn phòng điều phối NTM, Liên minh HTX, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Kạn. Về phía Trường Đại học Nông Lâm có GS.TS. Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường, đại diện lãnh đạo các Khoa, Viện, trung tâm thuộc và trực thuộc trường Đại học Nông Lâm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Theo thống kê nhu cầu dược liệu của nước ta hiện nay từ 60.000 - 80.000 tấn/ năm; hàng năm Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến, sử dụng của ngành dược liệu Việt Nam còn nhỏ, manh mún, chưa hiệu quả; một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt. Tại Thái Nguyên, ngoài 3.600 ha cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa thì diện tích cây dược liệu toàn tỉnh chỉ vào khoảng gần 300 ha.
Tại buổi Tọa đàm các đại biểu được trực tiếp trao đổi thảo luận cùng với các cơ quan Nhà nước, các Nhà khoa học đầu ngành, các Doanh nghiệp về những khó khăn trong trồng trọt và chăm sóc cây dược liệu tại địa phương hiện nay; công tác lựa chọn và chăm sóc cây giống; quá trình trồng trọt và phòng trừ dịch bệnh; giải pháp liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh góp phần giúp người dân miền núi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng cho xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Hưng Quang - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi tọa đàm
Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp như: cần sớm có định hướng cụ thể, hướng dẫn người dân trong việc phát triển cây dược liệu; thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung thông qua việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, kết nối cung - cầu, từng bước xây dựng thương hiệu, gắn việc sản xuất với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm. Từ đó, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân, khai thác hết lợi thế về đất đai, khí hậu.
Ánh Nguyệt