Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU & HỢP TÁC Hợp tác đối ngoại Tin tức Tin đối ngoại

Lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho ngài Graham Alliband, nguyên Đại sứ Úc tại Việt Nam.

21/06/2019 17:00 - Xem: 1242
Lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho ngài Graham Alliband, nguyên Đại sứ Úc tại Việt Nam.

Ngày 21/6/2019, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho ngài Graham Alliband, nguyên Đại sứ Úc tại Việt Nam.Tham dự buổi lễ có lãnh đạo của Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo và gần 100 cán bộ giảng viên của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã học tập tại Úc.

Trải qua gần 5 thập kỷ sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ngài Graham Alliband đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung và nền giáo dục Việt Nam nói riêng. Đến Việt Nam từ năm 1972 với vai trò Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Úc tại Sài Gòn, TS. Graham đã trải qua những vị trí quan trọng tại Việt Nam như cán bộ ngoại giao và thương mại, giám đốc 4 dự án phát triển quan trọng của Chính phủ Úc tại Việt Nam, đặc biệt 3 năm làm Đại sứ Úc tại Hà Nội. Những ý tưởng sáng suốt và nhân văn của ngài Graham trên nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng đã và đang mang lại hiệu quả hết sức quan to lớn góp vào sự thay đổi đi lên của Việt Nam trong gần 5 thập kỷ vừa qua. Đối với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, bắt đầu từ năm 2011 khi ngài Graham đến thăm trường và giới thiệu về Chương trình học bổng Úc, đến nay đã có rất nhiều suất học bổng đã được trao cho các giảng viên và cán bộ của Đại học Nông Lâm. Với riêng trường ĐHNL, đến nay đã có 20 giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ từ các trường đại học danh tiếng của Úc, 5 cán bộ đang học tập tại Úc, và đặc biệt 2 năm vừa qua đã có 80 cán bộ chủ chốt của Nhà trường đã được tham gia các khoá tập huấn nâng cao năng lực quản trị đại học, đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy… tài trợ bởi Chính phủ Úc, do chương trình Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills mà ngài Graham làm giám đốc tổ chức. Đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng đang tích cực đóng góp cho sự phát triển của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trong bối cảnh tự chủ đại học đang tới gần.

 PGS.TS. Trần Thanh Vân  - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao bằng cho ngài Graham Alliband

Để ghi nhận những thành tựu kiệt xuất, những tình cảm sâu sắc và những đóng góp quý báu của ngài Graham Alliband đối với Việt Nam nói chung và trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nói riêng, Đại học Thái Nguyên đã quyết định phong tặng Bằng tiến sĩ danh dự cho ngài Graham Alliband.  Tại buổi Lễ, PGS .TS. Trần Văn Điền, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài phát biểu chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Tiến sĩ Graham Alliband vì những cống hiến xuất sắc cho sự tiến bộ của Việt Nam, cho quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Úc, và vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Toàn văn bài phát biểu của TS. Graham Alliband sau khi được lãnh đạo Đại học Thái Nguyên trao bằng tiến sĩ danh dự:

"Các đồng nghiệp và bạn bè thân mến của tôi

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và đồng thời cũng cảm thấy mình thật nhỏ bé để được nhận một niềm vinh dự/phần thưởng như thế này. Món quà này đến với tôi vào cuối chặng đường sự nghiệp dài ở Việt Nam, kéo dài suốt 47 năm kể từ vị trí đầu tiên trong ngành ngoại giao của tôi trong vai trò Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Australia tại Sài Gòn vào tháng Giêng năm 1972. Tất nhiên, tôi không ở Việt Nam liên tục suốt 47 năm, nhưng tổng cộng khoảng thời gian từ những công việc khác nhau tại Việt Nam của tôi lên đến 30 năm.

Trong vòng 47 năm đó, tôi đã được trải nghiệm/chứng kiến nhiều sự kiện và sự phát triển của Việt Nam – từ chiến tranh Việt Nam, Hiệp định Paris và những khó khăn bên trong và bên ngoài mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn tôi làm tại đây trong vai trò Bí thư thứ nhất, và sau đó là Đại biện lâm thời của Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam. Ở Hà Nội khi đó thậm chí người ta còn bị đói.

Kể cả vào những năm 1980, khi tôi đến Việt Nam hai lần trong vai trò Giám đốc của một tổ chức phi chính phủ Australia, điều kiện sống vẫn còn hết sức khó khăn, và tôi còn nhớ mình nhìn thấy những đứa trẻ thực sự bị suy dinh dưỡng khi tôi đến thăm một ngôi làng ở Hưng Yên trồng đay trên bờ sông Hồng. Trong hai chuyến thăm đó, tổ chức phi chính phủ Australia cung cấp các thiết bị y tế và thuốc men cho bệnh viện Thanh Trì, máy thụ tinh nhân tạo cho nông trường Ba Vì và những chiếc máy vắt sữa đầu tiên cho nông trường bò sữa Mộc Châu.

Tôi ngừng công việc làm cán bộ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia vào năm 1981 sau 10 năm làm việc tại đây. Sau 7 năm làm Giám đốc một tổ chức phi chính phủ Australia, tôi may mắn được bổ nhiệm vào vị trí Đại sứ Australia tại Việt Nam vào năm 43 tuổi, tôi tin lý do chính là bởi vì thời điểm đó tại Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia không có một cán bộ cấp cao nào có những kinh nghiệm về Việt Nam như tôi và đồng thời nói được tiếng Việt.

Ba năm trong vai trò Đại sứ có lẽ là công việc tốt nhất mà tôi có được. Và tôi xin phép được nói hơi dài một chút về giai đoạn này. Việt Nam bắt đầu tiến hành đổi mới vào năm 1986, thay đổi đường hướng khỏi hệ thống bao cấp tập trung kém hiệu quả và muốn mở rộng các mối quan hệ ngoại giao và thương mại, đặc biệt sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vươn ra, thiết lập mối quan hệ với các nước khác trong khu vực Đông Nam Châu Á cũng như với phương Tây nói chung, bất kể sự không hài lòng của Hoa Kỳ. Đã có những nỗ lực được thực hiện để củng cố mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam trong những vấn đề có thể, và tôi có thể nói trong cả lĩnh vực giáo dục.

Trong khoảng thời gian tôi làm Đại sứ Australia tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Dr Gareth Evans đã đến thăm Việt Nam, một thỏa thuận thương mại song phương và một thỏa thuận đầu tư đã được ký kết và những cuộc đàm phán được bắt đầu về thỏa thuận lãnh sự/ a consular agreement. Có lẽ sự kiện đáng nhớ nhất là các đường liên kết viễn thông đầu tiên được thiết lập giữa Việt Nam với hệ thống vệ tinh Intelsat thông qua sự đầu tư của một công ty Australia – công ty OTCI. Điều này cho phép việc kết nối viễn thông trực tiếp với phương Tây và những nước khác. Tôi đã thực hiện cuộc gọi điện thoại trực tiếp đầu tiên giữa Tp HCM và Australia. Không còn phải đặt cuộc gọi điện thoại thông qua Moscow trước 6 tiếng nữa. Một sự đầu tư đáng kể nữa của Australia là ngân hàng ANZ, ngân hàng nước ngoài đầu tiên được nhận giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Điểm phù hợp với buổi lễ ngày hôm nay, tại Trường Đại học này, là những nỗ lực khiêm tốn của tôi để hỗ trợ việc học và dạy tiếng Anh. Sử dụng nguồn quỹ đặc biệt nhưng nhỏ nhoi của Đại sứ, tôi đã có thể cung cấp sách vở và băng đĩa tiếng Anh cho các Khoa Ngoại ngữ của ít nhất 05 trường Đại học, bao gồm một trường Đại học ở Đà Nẵng và một trường tại TP HCM. Trong những tháng cuối cùng của tôi trong vai trò Đại sứ vào giữa năm 1991, tôi đã cung cấp số sách vở và thiết bị trị giá AUD20,000 cho một trung tâm tiếng Anh hoạt động gần như độc lập bên ngoài trường đại học tại Hà Nội (mặc dù ban đầu trung tâm được Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội tài trợ). Trung tâm do TS Nguyễn Xuân Vang và ông Nguyễn Ngọc Hùng, người mà tôi vui mừng nói rằng cũng có mặt ở đây ngày hôm nay, đồng thành lập. Tôi cũng vui mừng chia sẻ rằng ông Nguyễn Đắc Đức, người đã làm việc cùng với tôi khi tôi là Đại sứ cũng có mặt ở đây ngày hôm nay.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình trong vai trò Đại sứ, tôi quyết định không quay trở về Australia làm cán bộ của Bộ Ngoại giao và Thương mại mà quay lại Việt Nam trong vai trò tư vấn đầu tư trong vòng 4  năm tiếp theo. Vào đầu những năm 1990 việc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng. Tôi nhận thấy rằng mối quan tâm thực sự của tôi là lĩnh vực hỗ trợ phát triển, vậy nên tôi chuyển sang làm hoàn toàn tư vấn về phát triển. Sự thay đổi này sau đó dẫn tôi vai trò Giám đốc cho 4 dự án phát triển của chính phủ Australia tại Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2018. Cả bốn dự án đều là các dự án đào tạo hoặc xây dựng năng lực. Dự án Đào tạo Việt Nam – Australia (The Vietnam Australia Training - VAT Project), Chương trình Học bổng Australia (Australia Awards Project) và Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) có đối tác là Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đối tác của Dự án Xây dựng năng lực Quản trị hiệu quả (Capacity for Effective Governance - CEG Facility). Trong suốt giai đoạn kéo dài 21 năm này, có 2 năm – đó là các năm 2007-2008 - tôi giữ một vị trí khác không ở Việt Nam – Giám đốc một dự án nâng cao năng lực của Anh làm việc với Bộ Phát triển Nông thôn và Bộ Nông nghiệp Afghanistan.

Tôi nhớ lại, mối quan hệ của tôi với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên khởi đầu vào năm 2011, khi tôi bắt đầu đưa ra các buổi cung cấp thông tin hàng năm về Chương trình học bổng Australia tại cả hai trường. Tôi rất vui mừng nhận thấy rằng qua các năm, nhiều suất học bổng đã được trao cho các giảng viên và cán bộ của cả hai trường, đặc biệt là Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên. Tôi đặc biệt vui mừng khi Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên được chọn làm đối tác của Chương trình Aus4Skills. Sự nhiệt tình và cam kết của của hai trường cho thấy rằng các đối tác của Chương trình Aus4Skills thật là tuyệt vời. Tôi ý thức rằng như là kết quả của chương trình, đã có những thay đổi đáng kể và thay đổi vẫn đang tiếp tục xảy ra trong quản trị, trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, bình đẳng giới và sự gắn kết với khối tư nhân, để hỗ trợ cả hai trường đối mặt tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của thế kỷ 21. Tôi chúc mừng lãnh đạo của cả hai trường đại học về việc đã mang lại một tầm nhìn và cam kết cho sự thay đổi.

Những thay đổi mà Việt Nam trải qua kể từ khi tôi đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Việt Nam vào năm 1972 đến nay thật sự rất đáng chú ý và tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc và may mắn khi được chứng kiến những sự thay đổi gần như mang tính cách mạng trong vòng hơn 30 năm qua. Giờ đây, tôi nhớ lại với một niềm tự hào nho nhỏ về hai bài phát biểu của tôi tại Hồng Kông và Bangkok, trong vai trò Đại sứ Australia tại Việt Nam, vào năm 1991, rằng tôi dự đoán Việt Nam sẽ trở thành chú hổ châu Á tiếp theo. Không phải mọi đồng nghiệp của tôi tại Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đều chia sẻ với tôi quan điểm này. Nhưng tôi biết mình đúng. Những đồng nghiệp kia không sống ở Việt Nam.

Giờ đây, khi đã về hưu, hoặc gần như về hưu ở tuổi 74, tôi nhìn về một tương lai, khi tôi vẫn còn có thể theo một cách hết sức nhỏ nhoi nào đó, tiếp tục có những đóng góp vào sự phát triển tuyệt vời của Việt Nam. Mục đích của tôi là tìm được visa dài hạn theo luật pháp của Việt Nam dành cho những người đã có những đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Điều này sẽ cho phép tôi được hưởng tình bạn, vẻ đẹp thiên nhiên, và điều không kém quan trọng tiếp theo là thức ăn và rượu của cả đất mẹ Australia và nơi đã trở thành đất nước thứ hai của tôi – Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn,"

 

Ngài Graham Alliband phát biểu tại buổi lễ

 
BÀI VIẾT LIÊN QUAN