Năm 2021, tròn 60 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn còn rất nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là NNCĐDC.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 14.000 NNCĐDC, trong đó có hơn 9.800 NNCĐDC trực tiếp và gián tiếp đang hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, có 4.492 nạn nhân chưa được hưởng chế độ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm, chăm sóc người có công, NNCĐDC bằng nhiều việc làm thiết thực.
Lãnh đạo Hội NNCĐDC tỉnh trao Bằng khen của Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam cho các tập thể có thành tích trong phong trào thi đua “Hành động NNCĐDC Việt Nam” giai đoạn 2011-2021
Riêng trong 5 năm qua, Hội NNCĐDC đã nhận được sự hỗ trợ tiền mặt và vật chất quy ra tiền là 45 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; xây mới, sửa chữa 261 nhà tình thương; hỗ trợ vốn sản xuất cho gần 1.000 người; hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo cho trên 3.000 nạn nhân; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 9.000 nạn nhân; tặng xe lăn, sách vở cho 1.400 nạn nhân và con, cháu nạn nhân…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Vũ Duy Hoàng ghi nhận những nỗ lực của các cấp Hội trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC thời gian qua. Đồng chí đề nghị, các cấp Hội đặc biệt là các cơ quan báo chí trên địa bàn cần đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày Thảm họa da cam Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; đẩy mạnh xã hội hóa vận động nguồn lực trong chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC…
Nhân dịp này, 5 tập thể được nhận Bằng khen của Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam trong đó có Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Uỷ ban MTTQ tỉnh vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” giai đoạn 2011-2021.
Thu Hà