Banner
Trang chủ TIN TỨC Hoạt động chung

Du học làm... nông dân

12/03/2022 17:00 - Xem: 1807
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, thêm 2 năm tu nghiệp ở nước ngoài, anh Hồ Quốc Khánh, 30 tuổi, tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Quá trình lập nghiệp của Khánh chẳng giống ai khi chấp nhận phận “làm thuê”. Nhưng theo anh Khánh, đây là “trường đại học” lớn để anh học tập, chuyển giao công nghệ tiên tiến, gây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.

Sang Israel, Đan Mạch học công nghệ cao

Sinh ra trong gia đình không liên quan đến nông nghiệp, cha mẹ anh Hồ Quốc Khánh đều là công nhân Nhà máy Thiếc Sơn Dương. Trái với nhiều đứa trẻ trong khu tập thể khi lớn lên đều nối nghiệp cha mẹ làm công nhân mỏ Thiếc thì anh Khánh lại rất thích được làm nông dân. Anh Khánh bảo, mảnh đất nhỏ ở khu tập thể ngày đó đã cho anh thỏa sức ươm những hạt giống mình có, trông ngóng, bảo vệ những mầm cây. Tốt nghiệp THPT, lựa chọn duy nhất của anh là thi vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Anh được các giảng viên ở Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên giới thiệu về nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển và nhận định xu hướng chung của nền nông nghiệp, trong đó có Việt Nam khiến anh Khánh thích thú. Thời gian sau đó, Trường Đại học Nông lâm ký kết chương trình hợp tác trao đổi sinh viên với một trường đại học nông nghiệp Israel - đất nước của nền nông nghiệp công nghệ cao Top 1 thế giới. Không do dự, Hồ Quốc Khánh đăng ký tham gia.

Anh Khánh nhớ lại, khoảng thời gian học tập bên Israel, ngoài học tập tại giảng đường, sinh viên Việt Nam rất tích cực đi thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt ấn tượng những cánh đồng dưa vàng bạt ngàn được trồng trên địa hình, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đi nhiều, anh Khánh đã nhận ra niềm đam mê thật sự của mình, nuôi quyết tâm học cho kỳ được công nghệ sản xuất nông nghiệp Top 1 thế giới.

Kỹ sư nông nghiệp Hồ Quốc Khánh thụ phấn cho dưa lưới Nhật

tại vườn dưa công nghệ cao Công ty Green Farm

Anh nhớ lại, ngoài giờ đi học, anh còn đi làm thuê cho các chủ vườn với đủ loại cây trồng từ rau xanh các loại, củ, quả đến dược liệu... 1 năm vừa học vừa làm ở Israel, anh kiếm được hơn 1.000 USD nhưng lãi nhất là đã làm chủ công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt là công nghệ nước tưới ẩm tiên tiến bậc nhất thế giới mà Israel đang sở hữu.

Trở về nước, cậu sinh viên Khánh lại đăng ký tham gia chương trình học đào tạo chính quy chất lượng cao, có thực tập hưởng lương quốc tế tại Vương quốc Đan Mạch. Nếu đất nước Israel công nghệ tưới ẩm là đỉnh cao của thế giới thì ở Đan Mạch, tự động hóa trong canh tác lại đứng đầu. Hầu hết vùng chuyên canh rau, cây ăn trái, hoa và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Đan Mạch đều được trồng trong nhà lưới, các khâu chăm sóc được tự động hóa nên tốn rất ít công lao động. 1 nông dân có thể làm hàng nghìn m2 rau, củ, quả rất nhẹ nhàng mà chất lượng sản phẩm vẫn vượt trội.

Chuyển giao cho doanh nghiệp

Anh Khánh tâm sự, sản xuất nông nghiệp của ta phát triển chậm hơn rất nhiều so với thế giới, nhất là trình độ của người làm nông nghiệp còn thấp. Tại một số địa phương, nhiều chủ trang trại, nhà vườn đã nhen nhóm xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên do trình độ hạn chế nên vẫn làm theo lối thủ công, tự phát là chính, điều này làm gia tăng chi phí, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chính vì lý do này mà chàng kỹ sư nông nghiệp quyết không dự tuyển vào cơ quan Nhà nước hay Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp mà chọn cách đi làm thuê cho các chủ vườn, trang trại. Kỹ sư trẻ Hồ Quốc Khánh khẳng định, làm việc thực địa là “ngôi trường đại học” tốt nhất để chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, gây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.

Công ty TNHH Green Farm xã Kháng Nhật (Sơn Dương) điểm đầu tiên hút chàng kỹ sư trẻ. Anh Khánh kể, lần đầu tiên bắt tay vào xây dựng thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không hề dễ dàng vì hầu hết các thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài. Hơn nữa, môi trường, khí hậu của Việt Nam rất khó để áp dụng 1 quy chuẩn. Tham khảo các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực, phân tích đầy đủ các chỉ số môi trường, khí hậu nhưng anh Khánh và chủ vườn vẫn không dám liều làm lớn mà vẫn phải làm phạm vi nhỏ, đối tượng cây trồng dễ tính nhất khi đạt hiệu quả mới mở rộng diện tích.

Kỹ sư nông nghiệp trẻ Hồ Quốc Khánh tỷ mỉ kiểm tra chất lượng nguồn nước để tưới cho cây trồng

Vừa tính toán, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm hơn 1 năm trời với rất nhiều sự điều chỉnh, cải tiến thiết bị, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Green Farm mới đi vào hoạt động trơn tru. Hiện các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty Green Farm khẳng định, sự hỗ trợ đắc lực của kỹ sư trẻ Hồ Quốc Khánh đã giúp công ty ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng nhất. Công ty đang tập trung sản xuất các loại dưa chất lượng cao của Nhật Bản cung ứng vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị.

Chuyển giao thành công công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tại Green Farm, kỹ sư trẻ Hồ Quốc Khánh tiếp tục nhận đơn hàng với Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) sản xuất dưa kiếm Nhật bằng công nghệ cao cung ứng cho 1 doanh nghiệp xuất khẩu tại Hải Dương.

Nhìn anh Khánh tỉ mẩn với đủ những thiết bị, cẩn thận đo, đếm, phân tích từng chỉ số chất lượng không khí, độ ẩm, chất lượng nguồn nước, kiểm tra hệ thống dẫn nước tưới ẩm bằng que tăm vào hàng nghìn gốc cây, chưa kể theo dõi sát diễn biến quá trình sinh trường, phát triển của cây trồng phần nào thấy được trách nhiệm của chàng kỹ sư trẻ với công việc. Anh Khánh chia sẻ, sản xuất nông nghiệp thông thường hay công nghệ cao thì nước là yếu tố hàng đầu quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như chất lượng sản phẩm. Nếu như ở khu vực huyện Sơn Dương chất lượng nước tương đối trung tính thì ở huyện Chiêm Hóa nước cứng lại rất phổ biến (nước có thành phần đá vôi rất lớn). Do đó, kỹ sư nông nghiệp phải liên tục kiểm tra để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với từng giai đoạn và đối tượng cây trồng.

Được biết, ngoài 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn Dương, Chiêm Hóa kỹ sư nông nghiệp trẻ Hồ Quốc Khánh đang tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo hình thức từ xa cho nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Anh khẳng định, sẽ tiếp tục chuyển giao công nghệ sản xuất khi các trang trại, chủ vườn cần và sẽ liên kết họ lại hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
phai

Lượt truy cập:

Đang online:

Ngày hôm qua: